Amazon đã làm cách nào để truất ngôi đối thủ Walmart?
(DNTO) - Theo dữ liệu thương trường, Amazon đã đánh bại Walmart để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển dịch từ mua sắm truyền thống sang shopping online. Tập đoàn của tỷ phú Jeff Bezos đã dùng những chiêu bài gì để đạt được thành công ấy?
Theo ước tính của Phố Wall do công ty nghiên cứu tài chính FactSet tổng hợp, được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu tăng cao trong thời kỳ giãn cách phong tỏa đại dịch, người tiêu dùng trực tuyến đã chi hơn 610 tỷ đô la cho Amazon trong 12 tháng qua. Trong khi đó, đồng thời điểm này, ông lớn Walmart cũng công bố doanh số 566 tỷ đô la thu về được trong từng ấy thời gian. Như thế, Amazon đang vượt mặt Walmart để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.
Cuộc cạnh tranh này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự chuyển dịch từ mua sắm truyền thống sang shopping online, thay đổi hoàn toàn cách thức mọi người sắm sửa. Thật ra, cả Amazon và Walmart đều không phải là công ty thống trị ở Trung Quốc đại lục mà chính là Alibaba, nhà bán lẻ trực tuyến khổng lồ. Thế nhưng, trong cuộc đua vượt qua Walmart, Amazon đã soán ngôi một trong những công ty thành công nhất, và cũng có thể được xem là đáng gờm nhất trong những thập kỷ gần đây.
Khoảng vài chục năm qua, Walmart đã hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ một mô hình bán lẻ hạn chế chi phí tối đa, kéo giá cả giảm xuống, nhờ đó đánh bại được nhiều đối thủ cạnh tranh. Nhưng thế thời đã thay đổi, ngay cả với tất cả hiệu quả và sức mạnh ấy, nhiệm vụ thống trị môi trường bán lẻ ngày nay lại đang dồn vào những giao dịch được thực hiện trên Internet, và không có công ty nào tận dụng điều đó tốt hơn Amazon.
Thật vậy, việc giao hàng đến tận cửa nhà chỉ trong một hoặc hai ngày với nhiều ưu tiên lựa chọn của công ty đã thu hút khách hàng đổ về sân chơi mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều. Cơn sóng mua sắm qua mạng kiểu này đã đưa Jeff Bezos, người sáng lập công ty trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Chuyên gia của công ty nghiên cứu thị trường Marketplace Pulse xem đây là một khoảnh khắc lịch sử. Theo ông, Walmart đã tồn tại quá lâu, và bây giờ, Amazon xuất hiện với một mô hình khác để thay thế đối thủ ở vị trí số 1. Đại dịch càng đẩy nhanh dòng thời gian càng khiến những thị dân mắc kẹt tại nhà phụ thuộc vào việc giao hàng. Thật ra, trong cơn bão corona mới, doanh số của Walmart cũng khả quan nhưng mức tăng trưởng của nó không sánh được với Amazon, nhất là khi công ty này đã bổ sung hàng trăm nhà kho mới cũng như thuê thêm khoảng 500.000 công nhân kể từ đầu năm ngoái.
Con số thu về 24 tỷ USD của Walmart vừa qua chỉ chiếm khoảng gần 1/10 so với lợi nhuận của Amazon, với ước tính gần 200 tỷ. Các số liệu này rất dễ nhận ra ở Walmart bởi chúng hầu như đều đến từ hàng tồn kho của chính công ty và được sao kê công khai mỗi quý. Nhưng riêng giá trị tổng doanh số bán hàng của Amazon, các nhà phân tích chỉ đành ước tính vì hầu hết những gì mọi người mua trên trang web đều là sản phẩm do người bán bên ngoài sở hữu và niêm yết, công ty chỉ báo cáo công khai các khoản phí phải trả từ các giao dịch đó. Thế nên số tăng doanh thu của Amazon còn có thể cao hơn.
Tất nhiên, cũng giống như thành công của Walmart trước đây một thập kỷ, Amazon cũng phải đối mặt với nhiều phàn nàn tương tự về cách đối xử với người lao động, tác động độc quyền chi phối nền kinh tế địa phương và quốc gia. Theo giới chuyên gia kinh tế, Amazon đã làm lu mờ Walmart bằng một chiêu trò hoàn toàn khác. Trong khi cứ để Walmart thoải mái tung hoành với các cửa hàng thực và kinh doanh tạp hóa, Amazon xoáy vào mua sắm trực tuyến vốn phát triển nhanh hơn nhiều so với các cửa hàng thực, dẫu mảng online chỉ chiếm khoảng 1/7 doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ. Cụ thể là Amazon thu được 41 xu trên mỗi đô-la chi tiêu trực tuyến tại Mỹ trong khi Walmart chỉ bỏ túi có 7 xu.
Hariharan, nhà sáng lập CommerceIQ, công ty tư vấn cho các thương hiệu như Colgate và Kimberly-Clark về thương mại điện tử, lại nhìn thắng lợi của Amazon dưới góc nhìn khác. Theo ông, Amazon đã thăng tiến là do họ đã mở trang web của mình để cho phép người bán bên thứ ba liệt kê các sản phẩm cùng với các mặt hàng mà Amazon tự mua và bán lại. Thị trường này càng làm tăng đáng kể các loại mặt hàng có sẵn. Gần 2 triệu người bán đang cung cấp sản phẩm trên Amazon, chiếm đến 56% số lượng hàng bán.
Theo ước tính riêng của các nhà phân tích, trong 12 tháng qua, Amazon báo cáo tổng doanh thu bán lẻ là 390 tỷ USD. Nhưng tổng doanh số bán sản phẩm, bao gồm cả các giao dịch của bên thứ ba lại cao hơn gần 60%. Đó là lý do Amazon dư sức vượt mặt Walmart dẫu nhà bán lẻ truyền thống này vẫn là nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất ở Hoa Kỳ với 1,6 triệu công nhân, đồng thời lại bán hàng nhiều hơn ở Mỹ so với Amazon.
Cơ đồ kinh doanh của dòng tộc Sam Walton đâu dễ chịu ngồi yên để đối thủ tiếm ngôi. Trong thời kỳ đại dịch, Walmart đã biến cửa hàng thành những trung tâm phân phối nhỏ để phục vụ cả dân đi bốn bánh ghé mua hàng chẳng cần xuống xe. Cách này ít tốn kém hơn nhiều so với đặt hàng trực tuyến để chờ giao nhận. Mới đây, Walmart còn cho biết đang dự kiến tạo ra 75 tỷ đô la tổng doanh số bán hàng trực tuyến tựa như Amazon trong năm nay từ hàng tồn kho của chính công ty với thị trường riêng của mình. Hãy chờ xem Amazon sẽ làm gì tiếp trước động thái “cựa quậy” của Walmart!