Khó khăn vây bủa 100 ngày làm việc đầu tiên của tân CEO Amazon
(DNTO) - Là Giám đốc điều hành mới của Amazon thay thế người sáng lập Jeff Bezos, trong một 100 ngày hành sự đầu tiên, CEO Andy Jassy phải đối mặt với hàng loạt rủi ro tiềm ẩn, bao gồm các vấn đề chống độc quyền và thực hiện chính sách củng cố tinh thần làm việc của các nhân viên
Nếu là người sẽ được thay thế tỷ phú Jeff Bezos nắm quyền điều hành tập đoàn, chắc chẳng ai muốn nghe những nhà phân tích thị trường đặt vấn đề như thế này: “Trong 100 ngày đầu tiên, một vị CEO mới có thể “xây” hoặc “phá” Amazon”!.
Áp lực gì đang thực sự đè nặng lên vai Andy Jassy, Giám đốc điều hành mới của gã không lồ thương mại trực tuyến Amazon?
Ông chủ cũ của AWS, Andy Jassy, đã trở thành Giám đốc điều hành Amazon, thay thế người sáng lập Jeff Bezos. Theo các chuyên gia, chí ít có 5 điều ông phải làm cho tốt trong 100 ngày đầu tiên, trong đó có không ít những rủi ro tiềm ẩn, từ các vấn đề chống độc quyền đến bài toán cải thiện điều kiện làm việc để kích hoạt được tính tích cực của các nhân viên bán hàng ở công ty.
Nếu dùng từ chuyên môn trong điều hành thì Andy Jassy cần phải quản lý vi mô ít hơn, đồng thời vẫn duy trì được văn hóa đổi mới của Amazon.
Tầm vóc của tập đoàn Amazon tương đương một quốc gia. Cũng như với nhiệm kỳ tổng thống, 100 ngày đầu tiên của Jassy cần làm sao để tạo nên tiếng vang cho những năm ông chấp chính và giúp xác định đúng đắn tương lai của công ty. Có rất nhiều thứ đang bủa vây đe dọa vị thế của vị tân CEO này.
Tên tuổi của trang thương mạng điện tử trực tuyến này đang vượt qua Walmart để trở thành nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất Hoa Kỳ. Trong hai thập kỷ qua, hầu như mỗi năm doanh thu của Amazon đều tăng ít nhất 20%. Thế nên, như với bất kỳ cổ phiếu công nghệ lớn nào, các cổ đông của nó sẽ luôn luôn tạo áp lực ép công ty duy trì vị thế lợi nhuận ấy.
Vẫn chưa hết nguy cơ rủi ro rình rập cho nhiệm vụ điều hành của Andy. Trước tiên là nhiều thành viên trong số 1,3 triệu công nhân của Amazon trong thời gian gần đây đang lên tiếng phản đối. Thứ đến là các đối thủ đang âm mưu tìm cách để kèn cựa, cạnh tranh mạnh mẽ, và nhất là các cơ quan quản lý công quyền cũng đang tìm đủ kẽ hở để cáo buộc các hoạt động kinh doanh của Amazon là không công bằng.
100 ngày đầu tiên của Jassy phải bao gồm một lúc nhiều việc. Ông phải cải thiện điều kiện làm việc nội bộ, quan hệ đối ngoại tốt với các thương gia, trong khi vẫn duy trì được đặc tính đổi mới sáng tạo của người tiền nhiệm, Bezos.
Bao lâu nay khi Bezos tại vị, công ty đã thành công ngoạn mục khi sử dụng phần mềm tối ưu để hợp lý và tự động hóa hầu hết mọi bộ phận của ngành bán lẻ và quy trình trải nghiệm mua sắm. Tuy nhiên, cỗ máy này hiện đang rơi vào một thực tế hiểm nghèo là lực lượng lao động khổng lồ đang ngày càng cảm thấy bị căng thẳng vì bị giám sát và đánh giá thấp. Lò lửa bất mãn có thể đang âm ỉ và được xem là mối đe dọa hiện hữu nhất mà Jassy phải đối mặt ngay bây giờ.
Như thế, mối ưu tiên hàng đầu của Andy Jassy là cải thiện mối quan hệ của công ty với các nhân viên kho hàng. Trước khi “thoái vị”, ông chủ Jeff Bezos đã ra tối hậu thư cho Giám đốc điều hành mới phải thay đổi các mục tiêu cấp cao nhất của công ty và ưu tiên các vấn đề lao động. Để làm được, tân CEO phải sáng tạo và đổi mới.
Còn nhiệm vụ cải thiện quan hệ với những người bán khác thì sao? Trong khi Amazon đã biến mình thành một kênh bán hàng để tiếp cận nhiều đối tượng hơn, không ít người bán bên thứ ba phàn nàn về những thách thức, bao gồm phí tăng, phân bổ không công bằng, sản phẩm giả mạo và cả những lời đánh giá không trung thực.
Jassy sẽ phải cố gắng xây dựng lòng tin tốt hơn với những đối tác quan trọng hiện chiếm hơn một nửa số sản phẩm được bán trên thị trường của Amazon này. Không làm được, công ty có thể khiến chất lượng của người bán và sản phẩm giảm, đồng thời tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh như Walmart, Target và Shopify chen vào chiếm bớt miếng bánh thị phần.
Andy Jessy cũng còn phải tìm cách, vừa giữ chân được những giám đốc cấp cao đầu não từng giúp tăng trưởng doanh thu một cách ngoạn mục cho công ty bấy lâu nay, vừa phải thuê được thêm nhân tài có đủ đầu óc hỗ trợ ông đối phó với các yêu cầu đang được đặt ra.
Jassy vốn nổi tiếng trong công ty là người quá chú ý đến từng chi tiết. Theo các nhân viên hiện tại và trước đây của Amazon, tính cách quan tâm của Jassy đối với quá nhiều chuyện “râu ria” có thể là một con dao hai lưỡi trong nỗ lực cần giảm bớt sự quản lý vi mô. Nếu không thay đổi, vị tân CEO sẽ ra quyết định chậm và lãng phí nhiều thời gian
Nhiệm vụ cuối cùng trong 100 ngày chấp chính đầu tiên của Andy Jessy là khôn khéo và nhạy bén hơn đến môi trường pháp lý. Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý chống độc quyền ở Mỹ và châu Âu đã tiến hành điều tra hoạt động của Amazon khiến chính Jeff Bezos phải thân chinh ra điều trần trước Quốc hội để bảo vệ công ty. Bây giờ việc ấy là trách nhiệm của Jassy.
Đối phó với pháp lý luôn là một phần khó khăn đối với những ai trở thành CEO của các đại gia công nghệ ở Mỹ, và Jassy không tránh khỏi. Nhất là hiện nay vị Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang mới lại là Lina Khan, tác giả của chính bài báo đã từng lên tiếng cáo buộc các vi phạm chống độc quyền của Amazon.