Sức mạnh thống trị thị trường và áp lực lao động giữa đại dịch của Amazon
(DNTO) - Tận dụng lúc các đối thủ kinh doanh dọc đường phố phải đóng cửa trong mùa dịch, ông lớn bán hàng trực tuyến Amazon đã đi từ sức mạnh này đến sức mạnh khác để thống trị thị trường, nhưng từ đó, một áp lực khủng khiếp về lao động cũng hình thành.
Trước khi đại dịch xảy ra, các nhà bán lẻ trên phố từng phải vật lộn để duy trì sức cạnh tranh với các công ty kinh doanh trực tuyến vốn sẵn thế mạnh vừa cung cấp sản phẩm với giá thấp, vừa giao hàng nhanh chóng. Covid-19 ập đến buộc các cửa hàng nhỏ phải đóng cửa, người tiêu dùng bị cấm cung tại nhà, vậy là những tên tuổi bán lẻ trực tuyến, đặc biệt là Amazon, càng có nhiều cơ hội lý tưởng để phát triển mạnh mẽ.
Trước cuộc khủng hoảng Covid-19, Amazon là cái tên hiện diện rộng rãi trong nền kinh tế và cuộc sống của khách hàng, còn giờ đây, phạm vi tiếp cận và quy mô tuyệt đối của thương hiệu gần như không thể định lượng. Cuối tháng 7 năm ngoái, công ty thông báo đã tăng gấp đôi lợi nhuận hàng quý lên 5,2 tỷ đô la so với 2,6 tỷ đô la vào cùng thời điểm năm 2019. Doanh thu ròng đã vượt 40%. Jeff Bezos, sáng lập viên Amazon sở hữu 11% cổ phần, trở thành tỷ phú đầu tiên có giá trị ròng được tính là vượt quá 200 tỷ đô la.
Amazon bán mọi thứ, từ tã lót đến máy chạy bộ, nhưng đại gia này còn sản xuất các chương trình truyền hình ăn khách cũng như cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho chính phủ Hoa Kỳ. Tham vọng của Amazon cực lớn, đó là trở thành đại siêu thị, ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thử nghiệm máy bay giao hàng không người lái. Với công cụ Echo, nhân đại dịch, Amazon xâm nhập vào cả ti vi và các thiết bị an ninh gia đình.
Rõ ràng, thời điểm và bản chất của đại dịch Covid-19 đã mang lại may mắn cho Amazon. Có thể nói, đây là nhà bán lẻ duy nhất trên thế giới đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ tai ương toàn cầu này. Nếu trong đại dịch có người chiến thắng và kẻ thất bại thì Amazon thuộc vế đầu.
Công ty gần đây đã công bố kế hoạch tuyển dụng thêm 8.000 lao động giữa lúc bị mất 125.000 việc làm trong lĩnh vực bán lẻ của Vương quốc Anh. Với châm ngôn “ưu tiên cho sự an toàn và sức khỏe của nhân viên”, chỉ trong nửa đầu năm nay, Amazon đã chi ra hơn 800 triệu đô la cho các biện pháp an toàn, bao gồm thiết bị bảo hộ cá nhân, nâng cao mức vệ sinh, linh hoạt thay đổi các ca kíp làm việc so le, chỉnh đốn lại hệ thống nhà xưởng và phát triển khả năng xét nghiệm Covid-19 trong nội bộ. Chỉ riêng tại Vương quốc Anh, công ty đã cung cấp 53 triệu khẩu trang, 2,6 triệu lít chất khử trùng, 66 triệu đôi găng tay và 244 triệu khăn lau cho công nhân.
Tuy nhiên khi Amazon tăng tốc, nhu cầu nhảy vọt lại tạo áp lực cực lớn cho lực lượng lao động của họ. Động thái tạm tăng lương gần đây vẫn không đủ khiến các công nhân thỏa mãn khi họ phải đối đầu với cái nóng mùa hè trong các nhà kho với khẩu trang che trên mặt. Bên cạnh đó, lực lượng được tuyển dụng mới càng đông thêm khiến nhiều công nhân phải chọn cách nghỉ ngơi ngay trên ô tô riêng để giảm mật độ người trong phân xưởng.
Chưa hết, theo chỉ số quan trọng để đo lường hiệu suất của mỗi lao động trong công ty, trung bình một công nhân có bề dày kinh nghiệm phải làm 360 mặt hàng mỗi giờ, tức khoảng 3.800 mặt hàng một ngày, nghĩa là cứ 6,7 giây phải giải quyết xong một hạng mục. Xem thế mới biết, có được công việc làm tốt, ổn định trong cơn bão thất nghiệp toàn cầu cũng có cái giá riêng của nó!