Chuỗi bán lẻ thực phẩm: Cuộc chơi đầy tốn kém đẩy ông lớn Amazon vào thế khó
(DNTO) - Đầu tư hàng chục tỷ đô la vào thị trường bán lẻ thực phẩm, sau 4 năm xây dựng, Amazon vẫn chưa gặt hái được thành quả mà họ mong muốn.
Trong nhiều năm, Amazon đã cố gắng thâm nhập thị trường bán lẻ thực phẩm đầy cạnh tranh, chủ yếu thông qua dịch vụ “Giao hàng tươi sống”.
Thị trường bán lẻ thực phẩm tại Bắc Mỹ được ước tính có giá trị lên tới hơn 700 tỷ đô la. Với tốc độ tăng trưởng đều đặn trên 2.3% mỗi năm, đây là một chiến trường khốc liệt với nhiều tên tuổi lớn như Walmart, Kroger hay Albertsons. Không muốn bị bỏ lại, Tập đoàn Amazon cũng có những động thái nhằm chiếm thị phần của miếng bánh béo bở này.
Sự dịch chuyển trong cơ cấu dịch vụ từ bán online sang bán lẻ của Amazon bắt đầu vào năm 2017 khi ông lớn trong làng công nghệ mua lại chuỗi bán lẻ thực phẩm Whole Foods với giá 13.7 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Amazon cũng khai trương các cửa hàng tạp hóa thực tế mang thương hiệu Fresh của riêng mình và mở rộng dịch vụ giao hàng cho các thành viên Prime.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra cho mô hình kinh doanh của Fresh đang nhắm vào đâu, và Amazon có kế hoạch tấn công thị trường chuỗi bán lẻ có trị giá hàng trăm tỷ đô la như thế nào.
Dưới đây là tóm tắt các tin tức mới nhất về hoạt động kinh doanh chuỗi bán lẻ thực phẩm của Amazon, bao gồm: Hệ thống cửa hàng Fresh, các cửa hàng truyền thống và các sáng kiến, ý tưởng hợp tác với các đơn vị bán lẻ khác.
Sự đầu tư lớn đến bất ngờ vào Amazon Fresh
Cửa hàng đầu tiên trong chuỗi hệ thống Amazon Fresh được khai trương vào cuối năm 2020 tại Los Angeles. Giữa giai đoạn đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, sự xuất hiện của cửa hàng Fresh với công nghệ "Just Walk Out" - không cần thu ngân, không cần kiểm soát, thanh toán tự động đã bùng lên trào lưu ứng dụng công nghệ để tránh tiếp xúc và hạn chế lây nhiễm virus.
Với khởi đầu thành công ấy, Amazon đã nhanh chóng triển khai một kế hoạch đầy tham vọng, nhằm khai trương 100 cửa hàng không cần thu ngân tại Mỹ trong năm 2021. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến sẽ có 580 cửa hàng thực phẩm Fresh, ứng dụng công nghệ "Just Walk Out" có mặt tại Bắc Mỹ trước năm 2024.
Có thể thấy, yếu tố cốt lõi nhất trong kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh này là dựa vào công nghệ "Just Walk Out" để cắt giảm chi phí quản lý, nhân công. Theo một trong những tài liệu nội bộ được tờ Business Insider công bố, Amazon dự kiến sẽ giảm đến gần 75% chi phí quản lý và đào tạo đội ngũ bán hàng trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Hiện thực gây thất vọng
Trái ngược với tâm lý hồ hởi từ cấp lãnh đạo Amazon, thực tế có thể không như những gì họ mong đợi. Sự căng thẳng ngày một tăng cao của đội ngũ nhân viên Fresh, và những báo cáo về mức độ thất thoát tài sản đáng báo động có thể nhấn chìm tham vọng này.
Vào tháng 2, một giám đốc điều hành chuỗi hệ thống tại Chicago đã phải lên tiếng trước những khiếu nại của người lao động, cho rằng văn hóa làm việc "độc hại" và "vắt sức" đang hủy hoại họ. Tới tháng 8, đại diện công đoàn cũng nêu ra những lo lắng tương tự trong một cuộc họp tổng công ty, và cho rằng công ty đang tồn tại văn hóa "quan liêu".
Các nhân viên mới cũng nêu lên lo ngại về hệ thống đánh giá hiệu suất không rõ ràng của Fresh, với những quy định kiểm soát ngặt nghèo có thể đẩy trách nhiệm thất thoát tài sản lên đầu nhân viên quản lý cửa hàng. Phó chủ tịch hệ thống chuỗi bán lẻ Amazon, Stephenie Landry, đã phải lên tiếng trấn an và gọi các báo cáo đó là "thông tin giả".
Bên cạnh đó, hiệu quả từ công nghệ "Just Walk Out" cũng bị đặt dấu hỏi lớn. Tính đến tháng 10 năm nay, rất nhiều báo cáo về những vấn đề trục trặc trong việc kiểm soát lượng hàng tồn kho, hàng quá hạn vẫn được bày bán công khai. Đặc biệt, đã có hơn ba ngàn vụ ăn cắp hàng công khai tại các cửa hàng Fresh, khi thiếu đội ngũ nhân viên kiểm soát và quản lý. Không chỉ vậy, mục tiêu lợi nhuận của chuỗi Whole Foods và Fresh có thể sẽ không đạt được như kỳ vọng trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng xuất hiện trong bức tranh này.
Đẩy mạnh những ý tưởng mới
Để khắc phục những điểm yếu trong công nghệ hiện có, nhóm phát triển của Fresh đã đề xuất một loạt ý tưởng táo bạo, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong năm 2022.
Một trong số các ý kiến được đề xuất là việc sử dụng công nghệ thị giác ảo. Công cụ này sẽ tự động phát hiện các mặt hàng còn ít và đưa ra các đề xuất mua hàng. Một công nghệ khác vừa mới được thử nghiệm tại Chicago là công nghệ Camera nhận diện gương mặt. Nó cho phép hệ thống truy cập vào kho dữ liệu tín dụng của khách mua, thông qua việc nhận diện gương mặt để tránh trường hợp trục lợi.
Những sáng kiến trên đều dựa trên nền tảng công nghệ AWS (Amazon Web Services), cho phép tích hợp dữ liệu người dùng ở mức độ cao hơn, và cũng để tránh rủi ro tài chính cho doanh nghiệp.
Không chỉ áp dụng hệ thống cho riêng Fresh, Amazon được cho là đang có động thái hỗ trợ xây dựng hệ thống điểm bán hàng cho các nhà bán lẻ khác. Các đơn vị bán lẻ có thể sử dụng một số tính năng được liên kết với dịch vụ khác của Amazon, như tư cách thành viên Prime, giao hàng linh hoạt và hệ thống thanh toán One palm.
Một ý tưởng khác mà Amazon có là hợp tác với những nhà bán lẻ khác để xây dựng các cửa hàng Amazon Go tại những địa điểm có sẵn. Điển hình nhất là trong tháng 9 vừa qua, Amazon đã tổ chức các cuộc thảo luận với Starbucks về việc tung ra một cửa hàng cà phê kiểu phòng chờ mới, kết hợp với hệ thống bán hàng Amazon Go. Đây có thể là bước đi khôn ngoan mà tập đoàn này muốn hướng tới để chiếm lấy thị phần trong miếng bánh lớn này.