Chuyên gia TMX: Nhân công Việt Nam rẻ nhưng không thể dùng 100% trong vận hành thương mại điện tử
(DNTO) - Theo ông Mitch Bittermann, Phó chủ tịch điều hành, Phụ trách Thương mại điện tử khu vực châu Á của TMX, việc áp dụng công nghệ tự động giúp giảm số lượng nhân lực, đảm bảo hiệu suất và an toàn không chỉ là giải pháp tức thời trong đại dịch mà đang trở thành xu hướng vận hành thương mại điện tử mới.
Thấy gì từ cách vận hành thương mại điện tử của các ông lớn?
Ông Mitch Bittermann, đại diện TMX (trước đây là TM Insight và XAct Solutions - công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương) cho biết, các nghiên cứu cho thấy, khi nhìn vào thị trường thương mại điện tử, Việt Nam đứng thứ 3 tại Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan, Indonesia và Việt Nam không có khoảng cách khá lớn so với hai thị trường dẫn đầu.
Trong khi đó, thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển một cách nhanh chóng và được dự đoán có tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 29 tỷ đô la vào năm 2025. Đồng thời, tỷ lệ mua hàng trực tuyến còn thấp, chỉ khoảng 3% trên toàn dân số. Vì vậy, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang rất sống động; hiện tại, doanh nghiệp có nhiều cơ hội khai thác và phát triển việc bán hàng tại Việt Nam, cũng như mở rộng bán hàng sang các nước khác.
Tuy vậy, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ. Vì vậy, để phát triển xứng tầm, ông Mitch Bittermann đưa ra một số bài học mà Việt Nam có thể rút ra được từ các thị trường khác tại châu Á.
Đầu tiên là bán hàng đa kênh. Kinh nghiệm từ những thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Samsung hay Philips là không chỉ bán hàng trên một kênh duy nhất mà luôn có tham vọng phủ sóng trên tất cả các kênh.
Thứ hai là làm sao để có thể hoàn thiện đơn hàng. Thay vì phải quản lý nhiều nhà kho, hiện tại các công ty đang tìm các giải pháp để giảm số lượng và hoàn thiện tất cả các khâu tại một nhà kho duy nhất. Lazada đang triển khai giải pháp này cho một số khách hàng quan trọng.
Thứ ba, do nhiều công ty vận tải đã dừng hoạt động trong thời gian qua, nhiều thương hiệu đã đưa ra các mô hình “Just in case” – Chiến lược phòng bị, thay vì “Just in time – Sản xuất tức thời”, vì vậy trong trường hợp bất kỳ sự cố nào xảy ra, các công ty luôn có các nhà cung ứng khác để thay thế. Đây không phải là mục tiêu dễ dàng có thể đạt được ngay tức thì, nhưng xu hướng này đang được nhiều thương hiệu cân nhắc để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thứ tư, các công nghệ tự động. Do các quy định phòng, chống dịch Covid-19, việc vận chuyển hay hoạt động tại các kho bị hạn chế, chỉ còn từ 30-50% công suất. Do đó, việc áp dụng công nghệ tự động giúp giảm số lượng nhân lực cần thiết để vận hành, giúp hiệu suất đảm bảo, đảm bảo an toàn cho nhân viên khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Mitch Bittermann đặc biệt nhấn mạnh rằng, việc áp dụng công nghệ tự động sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô một cách nhanh chóng. Quy mô ở đây không phải là 50 hay 100 đơn hàng như thường ngày mà có thể lên tới 1.000 hay 100.000 đơn hàng trong những ngày hội mua sắm như dịp 11/11. Lúc này, không còn là mô hình bán hàng B2B mà doanh nghiệp có thể chia chọn và vận chuyển theo pallet mà là B2C – yêu cầu chia chọn theo đơn vị riêng lẻ qua rất nhiều bước thủ công.
Vì vậy, để giảm thiểu các bước thủ công, các thị trường khác như Indonesia bắt đầu việc sử dụng băng chuyền để giảm thời gian di chuyển trong kho. Hay phức tạp hơn là Singapore đã có ASRS (hệ thống lưu trữ và truy xuất tự động). Hiện đại nhất có thể kể đến hệ thống AMRs (robot tự hoạt động để thay thế nhiều công đoạn thủ công) được áp dụng ở Nhật Bản và Trung Quốc.
“Mặc dù giá nhân công ở Việt Nam hiện tại còn thấp nhưng từ thực tế ở Thái Lan hay Indonesia, sẽ có thời điểm các doanh nghiệp cần tìm đến các giải pháp công nghệ để giải quyết vấn đề này”, ông Mitch Bittermann nhấn mạnh.
Sân chơi thương mại điện tử: Vừa dễ, vừa khó
Thương mại điện tử ngày càng phát triển mở ra cơ hội ngày càng lớn cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, sự cạnh tranh cũng không hề nhỏ. Vì vậy, để bắt đầu bước chân vào sân chơi này, vị chuyên gia của TMX khuyến cáo các công ty trước hết phải tìm hiểu yêu cầu pháp luật liên quan đến việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, cho dù họ là người mua, người bán hay người sở hữu hàng hóa.
Một điều rất quan trọng là muốn đưa sản phẩm lên thị trường thì các công ty và doanh nghiệp phải hiểu họ muốn bán hàng ở kênh nào, đối tượng khách hàng của họ ở đâu, ví dụ như ở website của họ, sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội như Facebook, Instagram…
Tiếp theo là kế hoạch kinh doanh. Theo ông Mitch Bittermann, dù doanh nghiệp chọn nơi nào để bán hàng thì cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch, ngân sách để đảm bảo việc tiếp thị, truyền thông hiệu quả, giúp nhiều người biết đến và mua sản phẩm. Sau khi có ngân sách, cần phân loại sản phẩm và có chiến lược về giá để cạnh tranh. Bởi nếu giữ một loại hàng hóa lâu ngày, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử lớn thì nguy cơ ảnh hưởng tới lợi nhuận là rất lớn.
Với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi thị trường thương mại điện tử châu Á, ông Mitch Bittermann nhận thấy, phần lớn những doanh nghiệp thành công trong thị trường này đều có kinh nghiệm logistics, vì họ biết cách phát triển quy mô, biết cách vận hành. Trong đó, các loại hình công nghệ hiện nay đang được bàn luận nhiều như TMS (hệ thống quản lý vận chuyển), WMS (hệ thống quản lý nhà kho), OMS (hệ thống quản lý đặt hàng) rất hữu ích trong việc mở rộng kinh doanh trên thị trường thương mại điện tử.
“Doanh nghiệp rất khó có thể tự mình làm mọi việc, họ có thể bắt đầu kinh doanh, nhưng khó để mở rộng kinh doanh. Vì vậy, nếu muốn tham gia vào thị trường thương mại điện tử, cần người thực sự hiểu thị trường này, hiểu cách mở rộng thị trường, giao hàng chặng cuối, xuất - nhập khẩu. Việc nhập một container hàng hóa từ nước ngoài là điều hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp muốn làm đúng ngay từ đầu và thực hiện được trên quy mô lớn thì nên tìm đến những công ty vận tải chuyên nghiệp để được tư vấn về việc lựa chọn tuyến đường”, ông Mitch Bittermann khuyến nghị.