Ông trùm thương mại điện tử Jack Ma bị 'rát mặt' vì 'bay quá gần mặt trời'?
(DNTO) - Những giờ tốt đẹp nhất của tỉ phú Jack Ma có lẽ là thời điểm tập đoàn Ant Group chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán, với chiến thắng 37 tỷ USD theo dự định. Thay vào đó, Bắc Kinh đã kiểm soát hoàn toàn đế chế của Ma, làm gãy cánh con "đại bàng" lớn nhất Trung Quốc.
Những ngày tươi đẹp nhất đã qua
Hiện tại, với sự vui mừng trong dè dặt của các nhà đầu tư, tỷ phú sở hữu Alibaba đang có các bước đi ngập ngừng đầu tiên để quay trở lại vũ đài toàn cầu, với chuyến đi châu Âu cùng mục đích chính là thúc đẩy trồng trọt, một sở thích của Ma.
Chuyến đi lần này khác hẳn với chuyến thăm Mỹ vào năm 2017, khi Jack Ma được đón như nguyên thủ quốc gia. Ma đã gặp riêng Tổng thống đề cử Donald Trump tại tòa nhà Trump Tower trước ngày Trump nhậm chức, và hứa hẹn sẽ tạo hàng triệu việc làm cho người Mỹ.
Cuộc gặp này có thể đã gây phiền lòng Bắc Kinh. Đầu tiên, thông tin về cuộc gặp và sự hứa hẹn tạo việc làm tại Mỹ được công bố với phần còn lại của thế giới, khi Jack Ma trả lời các phóng viên trong cuộc gặp không chính thức tại sảnh của tòa cao ốc này, theo 4 nguồn tin thân cận với Alibaba và nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc.
Bộ phận quan hệ chính phủ của Alibaba ngay sau đó đã bị các quan chức Trung Quốc nhắn rằng, Bắc Kinh không hài lòng một chút nào khi Jack Ma gặp Trump mà không có sự chuẩn thuận từ trước.
Cuộc gặp vào ngày 9/1 năm đó diễn ra khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang cao trào, sau khi Trump chỉ trích Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình rằng Trung Quốc làm mất việc làm của Mỹ.
Bốn nhân vật thân cận với Alibaba cho biết, họ tin tưởng cuộc gặp này là bước ngoặt xấu đối với mối quan hệ giữa Jack Ma và Bắc Kinh.
Các nhà đầu tư hiện "đói" thông tin về tình hình của vị tỉ phú này, chỉ một lần Ma xuất hiện tại đảo Mallorca vào tháng trước, chuyến đi nước ngoài đầu tiên trong hơn 1 năm của Ma. Ngay sau khi Ma xuất hiện tại Mallorca, giá trị vốn hóa của Alibaba đã tăng thêm đến 42 tỷ USD.
Câu chuyện về sự trồi sụt của Jack Ma đã phản ánh, Trung Quốc đã thay đổi nhanh thế nào dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, khi ông chuẩn bị có thể có nhiệm kỳ 3 lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này.
Jack Ma là mục tiêu tự nhiên đầu tiên
Sự siết chặt quản lý đối với đế chế kinh doanh của Ma diễn ra sau khi ông này phát biểu tại Thượng Hải vào tháng 10 năm ngoái, chê trách các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc chậm đổi mới. Sau đó, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu hủy kế hoạch niêm yết tập đoàn fintech Ant Group trị giá 37 tỷ USD chỉ 2 ngày trước khi niêm yết vào ngày 5/11.
Cơ quan quản lý Trung Quốc cũng ra lệnh Ant phải tái cấu trúc và đã tiến hành điều tra về chống cạnh tranh với các doanh nghiệp của Jack Ma. Đến tháng 4 năm nay, Alibaba còn dính án phạt kỷ lục từ trước tới nay lên đến 2,75 tỷ USD.
Siết chặt quản lý đã được Trung Quốc tiến hành xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, bất động sản, trò chơi, giáo dục, tiền số và tài chính. “Jack Ma có vẻ như hơi kích động, đi lệch đường lối được đề ra bởi Chủ tịch Tập Cận Bình. Jack Ma là mục tiêu tự nhiên đầu tiên để Trung Quốc ra tín hiệu rằng, một sự thay đổi lớn đã bắt đầu”, theo Duncan Clark, Chủ tịch công ty tư vấn BDA và là chủ biên một cuốn sách về Alibaba và Ma.
“Jack thường tay trong tay thường xuyên với tổng thống, thủ tướng, nhân vật hoàng gia, những người nổi tiếng tại các nơi như Davos. Và có rất nhiều người nổi tiếng, VIP đến thăm ông tại Hàng Châu”, Duncan Clark nói.
Quan hệ rộng với chính khách, người nổi tiếng
Giữa thời kỳ năm 2018 và 2020, Ma đã gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng, bao gồm Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres, hoàng hậu Jordan Rania, chính trị gia Mahathir Mohamad của Malaysia và thủ tướng Bỉ Charles Michel, theo cổng thông tin của Alibaba là Alizila và truyền thông.
Theo tiết lộ từ nội bộ, tại tổng hành dinh của Alibaba ở Hàng Châu có một tòa nhà, một viện bảo tàng - nơi Ma và nhà đồng sáng lập Alibaba Joe Tsai, thường mời khách nước ngoài đến thăm thú. Cũng theo nguồn tin này, Ma coi các cuộc gặp với các chính trị gia nước ngoài là “ngoại giao không chính thức”, và ông yêu thích làm điều này.
Cuộc đời đã thay đổi đến thế nào đối với một doanh nhân thành đạt và có ảnh hưởng nhất Trung Quốc, khi Ma đã bị từ chối ít nhất 2 lần bởi 2 nhân vật thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình khi đề nghị giúp đỡ. Thêm nữa, vị tỉ phú này đã viết thư cho Chủ tịch Tập Cận Bình vào đầu năm nay và đề nghị cống hiến phần còn lại của đời mình cho việc giáo dục tại các khu vực nông thôn.
Hãng thông tấn Reuters không kiểm chứng được liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có chuẩn thuận hay trả lời lời đề nghị của Ma hay không.
Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng thuộc sở hữu của Alibaba tháng trước cho biết, Ma đã viếng thăm châu Âu “liên quan đến nông nghiệp và môi trường”.
Theo nhà đồng sáng lập Alibaba Joe Tsai trả lời phỏng vấn hiếm hoi với tờ CNBC vào tháng 6 vừa qua: “Anh ấy đang trong trạng thái không tốt. Tôi nói chuyện với anh ấy cả ngày. Ý tưởng của anh ấy là rất to lớn, tôi nghĩ nó không hoàn toàn đúng. Anh ấy cũng giống như tôi và bạn, là một người bình thường”.