Cước vận chuyển đường biển: Nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng cao
(DNTO) - Cũng giống như đại dịch Covid-19 và sự đứt gãy kinh tế do đại dịch đem đến, khủng hoảng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển toàn cầu sẽ vẫn làm chậm quá trình vận chuyển hàng toàn cầu, và sẽ đẩy lạm phát tăng cao cho đến năm 2023.
Chi phí vận chuyển bằng đường biển hiếm khi được cho vào rổ tính toán lạm phát và GDP bởi các nhà kinh tế, thêm nữa các công ty thường tập trung vào chi phí nguyên liệu thô và giá nhân công hơn là chi phí vận chuyển. Tuy nhiên điều này có thể sẽ thay đổi.
Chi phí vận chuyển 1 container 40 feet đã giảm 15% kể từ mức đỉnh mọi thời đại 11.000 USD trong tháng 9 vừa qua, theo chỉ số Freightos FBX. Tuy nhiên trước đại dịch, giá vận chuyển 1 container như trên chỉ tốn có 1.300 USD.
Với 90% lượng hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển, sự tăng giá này sẽ gây nên rủi ro về lạm phát. Rủi ro này tồi tệ hơn so với dự báo.
Peter Sand, nhà phân tích tại nền tảng Xeneta chuyên đánh giá giá vận chuyển, không kỳ vọng chi phí vận chuyển bằng container sẽ bình thường trở lại trước năm 2023.
“Điều này có nghĩa chi phí logistics cao hơn không phải là hiện tượng nhất thời. Đối với lạm phát, điều này có nghĩa là sự rắc rối. Giá vận chuyển so với tổng giá thành là nhỏ, tuy nhiên hiện giờ nó đã lớn hơn rất nhiều. Và mức giá vận chuyển cao như vậy sẽ đẩy giá cả tăng cao hơn nữa”, Peter nói.
Theo một báo cáo của UN, giá vận chuyển ở mức cao sẽ đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu, giá vận chuyển cao sẽ đẩy giá nhập khẩu toàn cầu tăng 11% và giá tiêu dùng tăng 1,5% kể từ bây giờ đến năm 2023.