VLA: Chi phí logistics tăng, không thể đổ lỗi cho một yếu tố đơn lẻ
(DNTO) - Chi phí logistic tăng cao trong thời gian qua đang gây khó cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên theo đại diện của VLA, cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, đừng xem chủ hàng như nạn nhân và đổ lỗi cho các công ty logistics, vô hình chung xem họ như người gây hại.
“Quan trọng là nguyên nhân tăng từ đâu?”
Theo lý giải của ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hệ thống logistic tại nước ta bao gồm 4 yếu tố, đó là kết cấu hạ tầng, người mua, người bán và thể chế. Một trong những yếu tố này đều có thể tác động đến chi phí logistics của doanh nghiệp, không thể đổ lỗi cho một yếu tố đơn lẻ nào tác động đến mức tăng hay giảm của chi phí này.
Nếu hạ tầng tốt, xe thông suốt vài chuyến một ngày nhưng lại gặp những rắc rối về mặt thủ tục hành chính thì hàng cũng không thể lưu thông, khi đó chi phí cũng không thể giảm được, vì vậy cách tốt nhất để làm giảm chi phí là tất cả các yếu tố phải đồng bộ với nhau.
Trong chi phí logistic tại Việt Nam hiện nay, chi phí nhiên liệu đang ở mức cao nhất, sấp sỉ 30-35%; sau đó đến phí BOT, từ 15-30% (đơn cử BOT Bắc Nam 15%; BOT Hải Phòng – Hà Nội gần 30%); ngoài ra còn khoản “trà nước”, chi phí không chính thống gần 5%, đại diện VLA cho biết.
“Không thể nói công ty vận tải tăng giá, quan trọng là cái gì đang khiến chi phí này tăng”, ông Minh cho hay, ví như dịch vụ vận tải tăng thì chi phí mới tăng lên được. Vì vậy, theo ông Minh, không thể xem chủ hàng là nạn nhân còn công ty dịch vụ logistic là đối tượng gây hại.
Thực tế cho thấy, mỗi khi giá xăng dầu biến động tăng cao là khiến các doanh nghiệp đứng ngồi không yên với khoản chi phí logistic. Đặc biệt thời gian qua, do sự tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất nhập khẩu của các nước, đơn cử như việc thiếu container rỗng để đóng hàng, khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh bị đình trệ, hàng hóa không chỉ chậm lưu thông mà còn chịu cước vận chuyển tăng lên nhiều lần.
Cần có quy hoạch tốt để cắt giảm chi phí logistics
Nói về giải pháp của thực trạng này, ông Minh cho hay: “Hiện tại, doanh nghiệp logistics chỉ có thể cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ cho khách hàng mà thôi, không thể làm cách gì được”. Cơ hội để cắt giảm chi phi mà doanh nghiệp nghĩ ra rất khó, nhưng "nếu có quy hoạch tốt thì một xe tải ngày chạy được hai, ba tuyến thì cắt giảm rất tốt. Điều này các vùng mới có thể làm được".
Trước tình hình giá vận chuyển tăng cao đang khiến nhiều chủ hàng tự bỏ tiền xây kho trữ hàng, thậm chí đầu tư thêm cả xe công, đầu tư từ A đến Z. Theo ông Minh, việc này có thể khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí như mất một miếng đất, thêm người giữ kho. “Chính tư duy này không đẩy thị trường dịch vụ logistics tăng trưởng. Ngay người chủ hàng cũng phải có tinh thần hợp tác thì chúng tôi mới lớn lên được”, ông nhấn mạnh.
Trong một cuộc hội thảo gần đây, ông Phạm Tiến Hoài, Tổng giám đốc Hạnh Nguyên Logistics, cho biết, chi phí logistics trong ngành nông sản Việt Nam hiện chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm, trong khi con số này tại Thái Lan chỉ 12,5%, và con số bình quân toàn cầu là 14%.
“Chi phí cao đã làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia”, ông Hoài dẫn chứng.
Trong khi đó, theo đại diện một doanh nghiệp đa ngành chuyên về sản xuất gạo, thức ăn thủy sản cho biết, với doanh nghiệp của anh, chi phí logistics cho mặt hàng thủy sản thời gian qua tăng tới 200%, và theo anh, không còn cách nào khác "tất cả các doanh nghiệp đều phải chấp nhận mức giá mới ngoài thị trường".
"Hiện tại giá nhiều mặt hàng trong nước đang bị cạnh tranh bởi các quốc gia khác. Hai nước cùng xuất khẩu sang một nước thứ ba sẽ thấy rõ điều này. Từ chỗ nhà cung cấp ra đến cảng, rồi xuất sang đến nước thứ ba, giả định hai mặt hàng cùng một giá thì chi phí việt Nam sẽ cao hơn. Ví như một doanh nghiệp ở Chiềng Mai, Thái Lan so với một doanh nghiệp ở miền Tây cùng xuất khẩu một mặt hàng trái cây, thì chi phí của họ tới cảng vẫn rẻ hơn", vị này nói.