Doanh nghiệp logistics đông nhưng chưa mạnh
(DNTO) - Ngành logistics Việt Nam hiện tồn tại tình trạng, hàng trăm doanh nghiệp hoạt động nhưng đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp “đông nhưng không mạnh”, phát triển manh mún thiếu quy hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.
Đầu tư vào logistics để đón nhận cơ hội lớn cho logistics Việt Nam
Tại Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP. Hải Phòng và Hiệp hội logistics tổ chức, diễn ra hôm nay 23/4 tại TP Hải Phòng, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, theo kết quả PCI mới được VCCI công bố, thành phố Hải Phòng xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố, xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2019. Đây là lần thứ ba thành phố Hải Phòng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.
Đáng lưu ý, UBND thành phố Hải Phòng đã duy trì các cuộc đối thoại doanh nghiệp định kỳ hàng tháng, hàng quý. Tại những cuộc đối thoại này, cùng với việc trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo UBND thành phố còn công khai kết quả, thời hạn giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp của các sở, ngành và huyện thị và căn cứ vào đó để thực hiện đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm đối với các sở, ngành, địa phương.
“Hải Phòng đang đi đầu trong việc hút dòng vốn FDI của cả nước, là một cực tăng trưởng mạnh mẽ của tam giác phát triển kinh tế phía Bắc. Đó cũng là một trong những hạ tầng mềm tạo động lực phát triển”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch VCCI, ở góc độ hạ tầng cứng, với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc.
Đặc biệt, Hải Phòng giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác "Hai hành lang - Một vành đai kinh tế" giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Tuy nhiên theo ông Lộc, dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Đặc biệt, Hải Phòng từng được xem là “cái nôi” của logistics Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp tại Hải Phòng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, các văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của các doanh nghiệp có trụ sở chính Hà Nội, TP. HCM.
“Việc hàng trăm doanh nghiệp hoạt động nhưng đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp “đông nhưng không mạnh”, phát triển manh mún thiếu quy hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh hội nhập”, ông Lộc chỉ ra.
“Như các chuyên gia đã phân tích, có rất nhiều số liệu khác nhau, nhưng có một xu hướng tuyệt đối là chi phí logistics ở Việt Nam đang rất cao hơn mức trung bình của thế giới, trong đó đặc biệt vận tải chiếm 40 – 50% chi phí. Như vậy, làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong logistics khi chi phí sản xuất kinh doanh sẽ quyết định sự phát triển của các doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Lộc nêu ý kiến.
Ông Lộc cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực logistics và tăng cường liên kết logistics không chỉ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mà còn giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp đồng thời đón nhận cơ hội rất lớn cho logistics ở Việt Nam.
“Chúng ta đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ, nền kinh tế dựa nhiều vào xuất, nhập khẩu nên logistics cảng biển rất quan trọng, thể hiện việc chúng ta có cạnh tranh được hay không trong bối cảnh hiện nay, khi chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19 diễn ra, đã làm thay đổi lại nhận thức và chiến lược của các tập đoàn xuyên quốc gia”, Chủ tịch VCCI nói.
Lĩnh vực logistics sẽ là điểm sáng
Theo người đứng đầu VCCI, đầu tư vào lĩnh vực logistics và tăng cường liên kết logistics không chỉ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mà còn giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp đồng thời đón nhận cơ hội rất lớn cho logistics ở Việt Nam.
“Chúng ta đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ, nền kinh tế dựa nhiều vào xuất, nhập khẩu nên logistics cảng biển rất quan trọng, thể hiện việc chúng ta có cạnh tranh được hay không trong bối cảnh hiện nay, khi chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19 diễn ra, đã làm thay đổi lại nhận thức và chiến lược của các tập đoàn xuyên quốc gia”, ông Lộc nói.
Ông Lộc cho biết, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hàng đầu trong việc đầu tư đa dạng hóa, sẽ có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh từ Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam và xem đây là một cơ hội lớn. Để đón nhận cơ hội này, chúng ta phải nâng cao năng lực logistics là một điều kiện quan trọng với vị trí địa kinh tế địa chính trị Việt Nam hoàn toàn và Hải Phòng nói riêng hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm dịch vụ logistics trung tâm trung chuyển của quốc tế và khu vực hoàn toàn có thể là một trung tâm trong tương lai và là một xu thế tiềm năng trong tương lai
Hơn nữa, các chính sách thuận lợi hóa thương mại, kích thích tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 được thực hiện bởi Chính phủ cũng đang hỗ trợ trong việc mở rộng thị trường. Do đó, hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam là yêu cầu tất yếu.
Hiện nay, động lực phát triển đang dịch chuyển rất mạnh về phía Bắc khi các chuỗi cung ứng và dịch chuyển của Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển đến các tỉnh phía Bắc, đặc biệt Hải Phòng là tâm điểm của cơ hội đó.
“Hải Phòng phát triển không phải vì Hải Phòng mà vì cả khu vực của cả nước khi đây là cửa ngõ ra biển, là mặt tiền của đất nước trong sự nghiệp đối ngoại. Hy vọng Hải Phòng sẽ tiếp tục lấy lại phong độ trở thành thành phố tiên phong dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong thời gian tới và lĩnh vực logistics hôm nay sẽ là điểm sáng", ông Lộc nhấn mạnh.