Mô hình logistics mới giúp nông sản Đồng bằng sông Cửu Long rộng đường ra thế giới
(DNTO) - Mô hình trung tâm logistics 'tất cả trong một', một điểm đến đa dịch vụ, đang được xem là giải pháp để giảm gánh nặng logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần tạo thuận lợi cho nông sản Việt rộng đường ra thế giới.
Chiếm 30% giá thành sản phẩm, chi phí logistics đang là gánh nặng với ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của kinh tế Việt Nam. Vùng đất này hiện đang đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước.
Đất đai phì nhiêu, màu mỡ, với đặc trưng của miền đất sông nước nhiều kênh rạch, mỗi năm vùng đất này cho thu hoạch hàng chục triệu tấn nông sản. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn trong vấn đề logistics khi cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu.
Trái cây sau khi được thu hoạch phải vận chuyển qua nhiều địa điểm, sau đó đưa lên TP.HCM rồi mới được đi các nơi khác, chưa kể nhiều cảng trọng điểm tại TP.HCM thường xuyên quá tải dẫn đến chi phí lưu kho, thời gian chờ đợi... đều tăng. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics chiếm cao tới 30% giá thành sản phẩm.
Khoản chi phí không hề nhỏ khiến giá thành sản phẩm tăng cao, sức cạnh tranh giảm, không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc hay Thái Lan.
“Nông sản bị kìm hãm bởi gánh nặng logistics sẽ cản trở sự phát triển. Điều đó thực sự là bài toán khó khiến cả nông dân và doanh nghiệp trăn trở”, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết tại buổi tọa đàm “Đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL”, diễn ra ngày 9/4 tại Hậu Giang.
Trong khi đó, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết: "Chi phí logistics đang gặp nhiều khó khăn do tăng gấp đôi, tạo điểm nghẽn cho trái cây tươi. Sản lượng trái cây tươi đang có xu hướng giảm dần ở một số thị trường do đi bằng đường hàng không, giá cao”.
Mô hình trung tâm logistics “tất cả trong một”
Trước hiện trạng trên, việc hình thành một trung tâm logistics “tất cả trong một”, một điểm đến đa dịch vụ, vừa có lợi cho người dân và doanh nghiệp thu hút được nhiều sự quan tâm của khách mời tại buổi tọa đàm.
Theo ông Phạm Tiến Hoài, Tổng Giám đốc Hanh Nguyen Logistics, mô hình này trước mắt sẽ giải quyết vướng mắc cho cả ba nhà: nhà nông, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu.
Với người nông dân, đây sẽ là nơi để bà con trao đổi, tìm hiểu mối hàng, đặc biệt nơi đây còn có hệ thống bảo quản sản phẩm lên tới 90 ngày, khiến người nông dân không còn bọi o ép giá cả, thoải mái lựa chọn đối tác.
Trung tâm này có kho dự trữ lên đến 150.000 tấn, xưởng phân loại, đóng gói, chiếu xạ, giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không cần đầu tư hàng chục tỉ đồng vẫn có cơ sở chế biến, đóng gói hiện đại phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa.
Còn với các nhà nhập khẩu quốc tế, họ không cần phải đi khắp vùng ĐBSCL để tìm kiếm nguồn nông sản để nhập về nước họ như trước đây mà chỉ cần đến trung tâm trên để lựa chọn những sản phẩm ưng ý nhất.
“Các doanh nghiệp sẽ quy tụ để cùng giao thương, mua bán, yên tâm chọn lựa sản phẩm ưa thích; không cần đi nhiều nơi, di chuyển qua nhiều vùng nguyên liệu để chọn lựa; chỉ cần có mặt tại một nơi là có thể thu mua bất kỳ loại nông sản nào đang có nhu cầu”, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho hay.
“Trung tâm này sẽ là cầu nối giữa nông dân, doanh nhân, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu; nâng tầm vị thế của người nông dân; mở ra một sân chơi bình đẳng công bằng. Cả nhà nước, người nông dân, doanh nghiệp đều được lợi. Lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ những mô hình hay như thế này bằng cách hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng, tạo điều kiện về quỹ đất… Và để hỗ trợ phát triển logistics, trong nhiệm kỳ tới đây, tỉnh Hậu Giang sẽ đầu tư 18.000 tỷ để phát triển hạ tầng giao thông, gia tăng liên kết vùng", ông Lê Tiến Châu, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang cho biết.