Áp lực cạnh tranh trước sức cầu giảm, doanh nghiệp thủy sản 'ăn đong' từng đơn hàng
(DNTO) - Thị trường thế giới vẫn bị "ngấm đòn" nặng nề bởi lạm phát, khiến những tháng đầu năm 2023, tình trạng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải luân phiên đóng cửa.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho hay, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3/2023 ước đạt 780 triệu USD, giảm mạnh 23,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tháng thứ ba liên tiếp trong năm nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành hàng mang về gần 11 tỷ USD trong năm ngoái đều chung xu hướng lao dốc mạnh trong quý I/2023. Trong đó, tôm giảm mạnh nhất 40%, trị giá 335 triệu USD; kế đến cá tra 240 triệu USD, giảm 38%; cá ngừ trị giá 109 triệu USD, giảm 30%; cua ghẹ và giáp xác khác giảm 46%...
Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết tình hình xuất khẩu tôm quý I năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn: "Chưa bao giờ sức mua giảm và giá bán thấp như hiện nay, giảm trên 12%. Hệ thống khách hàng lớn ở các thị trường Mỹ, EU cho biết lượng tôm tồn kho còn khá nhiều. Do vậy, nhiều khả năng trong 3 tháng tới vẫn còn tình trạng cung vượt cầu, xuất khẩu tôm tiếp tục gặp khó".
Hiện tại, áp lực cạnh tranh trước sức cầu giảm, nguồn cung cao là cơn "đau đầu" chung của các doanh nghiệp thủy sản. Trong đó, tôm Việt Nam tiếp tục bị cạnh tranh gay gắt bởi tôm Ecuador có giá rẻ, lại gần Mỹ, nên chi phí vận chuyển thấp, còn các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn đang chịu áp lực về chi phí logistics...
Từ thực trạng trên, khiến những tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải luân phiên đóng cửa. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước cho biết, với các doanh nghiệp thủy sản “đói" đơn hàng diễn ra khá phổ biến. Theo ông Lĩnh, thông thường các năm trước đến thời điểm này các doanh nghiệp đã ký xong đơn hàng cho quý IV nhưng bây giờ ký được container nào thì làm container đó.
"Tình cảnh của doanh nghiệp thủy sản bây giờ là "ăn đong" từng container hàng. Không chỉ người bán, ngay cả người mua cũng vậy. Do đó, khả năng xuất khẩu thủy sản sẽ còn rớt sâu hơn nữa", ông Trần Văn Lĩnh nhận định
Để tìm động lực mới cho ngành hàng 11 tỷ USD, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, khuyến nghị, xuất khẩu sang thị trường chính giảm, nhiều doanh nghiệp nên chuyển hướng sang thị trường ngách, đang có xu hướng thay đổi tiêu dùng do lạm phát.
Điển hình là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Trong khi xuất khẩu cá tra sang top 10 thị trường đều giảm từ 8% - 60% so với cùng kỳ, riêng Đức - thị trường đứng thứ 9 vẫn giữ được tăng trưởng 81% tính đến hết tháng 2/2023. Lạm phát làm thay đổi xu hướng tiêu thụ thủy sản của đất nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Thay vì tiêu thụ nhiều thủy sản tươi, ướp lạnh, người dân Đức gia tăng tiêu thụ thủy sản đông lạnh, nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh nhạy hơn nữa để thay đổi sản phẩm cho phù hợp.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường khó khăn, doanh nghiệp rất trông chờ chính sách tháo gỡ để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh, ngành nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh. Cụ thể như, giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với giá tôm cùng loại của Ấn Độ và Ecuador. Thực tế hiện nay, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm 80-90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản và thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, mặt hàng này đang có giá nhập khẩu cao và không được hưởng cơ chế giảm thuế nhập khẩu như lúa mì và ngô, theo như Nghị định 101 của Chính phủ.
"Để con tôm Việt tiếp tục đem về ngoại tệ, có chỗ đứng trên thị trường thế giới, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%, giúp các doanh nghiệp trong ngành mạnh dạn đầu tư sản xuất, xuất khẩu", VASEP đề xuất.