Nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt, trước hết phải bắt đầu từ niềm tin
(DNTO) - Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Công ty Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, để phát triển chuỗi liên kết và nâng tầm thương hiệu thuỷ sản Việt Nam, trước hết phải bắt đầu từ niềm tin. Đó là niềm tin của tất cả các mắt xích trong chuỗi.
Câu chuyện của thủy sản Na Uy đã trở thành tâm điểm tại Hội thảo "Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam", tổ chức ngày 31/3. Tại hội thảo, ông Asbjon Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông nam Á của Hội đồng thuỷ sản Na Uy, cho biết cá hồi, cá thu, cá tuyết là các mặt hàng có giá trị lớn trên thị trường xuất khẩu. Ở Na Uy, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 45%, nhưng giá trị mang lại đến 75% so với thủy sản đánh bắt.
Đơn cử trong chuỗi giá trị con cá hồi, Na Uy rất chú tâm vào hệ sinh thái nuôi trồng, và sức khỏe loài cá trong các hoạt động chăn nuôi trên biển, nhằm mang đến giá trị cao nhất.
Thủy sản xuất khẩu như cá hồi của Na Uy có giá thành khoảng 10 USD, nhưng theo khảo sát, giá bán mặt hàng này tại thị trường Việt Nam là 30 USD/kg. Nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán gấp 3 lần giá Na Uy xuất khẩu. Và người Việt vẫn sẵn sàng "mở hầu bao" chi 30 USD cho 1kg cá hồi do giá trị thương hiệu của Na Uy.
Ông Asbjorn cho hay, hải sản sau khi được ngư dân và các công ty nuôi trồng thủy sản thu hoạch từ các vùng nước ven biển và nội địa sẽ được sơ chế để chuyển đến các nhà máy chế biến như nấu chín, đóng hộp và các sản phẩm ăn liền để tăng thêm giá trị.
“Cải thiện chuỗi giá trị trong ngành thủy sản có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm tăng lợi nhuận, tiếp cận thị trường tốt hơn, nâng cao uy tín thương hiệu, tính bền vững và đổi mới. Những lợi ích này có thể giúp đảm bảo sự thành công lâu dài của ngành và góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất và xuất khẩu thủy sản”, ông Asbjorn gợi ý.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Công ty Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, cho rằng sở dĩ thủy sản Việt Nam "lên bổng xuống trầm" vì liên kết chuỗi và nâng tầm giá trị nhưng kết quả chưa cao.
Lấy ví dụ với ngành tôm, vị này cho hay, trong 10 năm qua, Việt Nam cứ loay hoay quanh mức 3-4 tỷ USD. "Với tốc độ trượt giá thời gian qua, rõ ràng người nuôi tôm đang sống trên đống nợ, chứ không bằng giá trị gia tăng".
Cũng theo ông Hoàng Anh, để phát triển chuỗi liên kết và nâng tầm thương hiệu thuỷ sản Việt Nam, trước hết phải bắt đầu từ niềm tin. Đó là niềm tin của tất cả các mắt xích trong chuỗi. Đồng thời, phải ổn định chất lượng, sản lượng, thông qua quy hoạch. Quy hoạch sẽ giúp hiểu rõ việc sản xuất đang theo quy trình nào...
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, các doanh nghiệp cần nắm chắc xu thế tiêu dùng, chủ động liên kết chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp. Trên cơ sở đó, đánh giá lợi thế của ngành thủy sản Việt Nam để cân bằng nhu cầu, chế biến đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường.