Thu hàng trăm tỷ đồng nhờ livestream sản phẩm OCOP, Trung Quốc sẽ là 'sân chơi' mới cho thương mại nông sản
(DNTO) - Đằng sau những cú "bắt trend" online thu về hàng trăm tỷ đồng, tạo đột phá đầu ra cho nông sản bản địa. Các chuyên gia nhận định, không dừng ở thị trường trong nước, cần đào tạo chuyên sâu thêm những “hạt giống Tiktok” để "đánh" vào thị trường đầy tiềm năng đặc biệt là Trung Quốc và Asean.
Chia sẻ tại tọa đàm: “Thúc đẩy bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến cho cộng đồng doanh nông trẻ và các chủ thể OCOP”, ngày 15/11, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ tháng 3/2023, Bộ đã giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp ký kết chương trình phối hợp với TikTok Việt Nam, triển khai nhiều hoạt động như kết nối với các địa phương tổ chức các phiên chợ OCOP.
Với sự "bắt tay" này, tính đến Quý 4/2023, đã có hơn 800 phiên LIVE gắn logo Chợ phiên OCOP được thực hiện xuyên suốt 6 tháng qua, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng, bình quân mỗi phiên đạt 130-150 triệu đồng. "Với nhãn hàng phi nông sản thì đó là con số khiêm tốn, nhưng với nông sản thì đã là con số lớn”, ông Tiến nhìn nhận.
Với quy mô được đầu tư lớn cùng tần suất diễn ra đều đặn theo tuần, TikTok đã kết nối với hơn 500 nhà sáng tạo và nhà bán hàng uy tín để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với cộng đồng. Chia sẻ kinh nghiệm bán hàng online mà ngành nông nghiệp đang hỗ trợ, ông Tiến cho biết tại các phiên chợ, Trung tâm chọn những nhà bán hàng có khả năng khai thác sản phẩm thế mạnh của địa phương.
"Chẳng hạn khi đến Hải Phòng chúng tôi đã liên kết với Pew Pew – người con của Hải Phòng, và kết quả thật bất ngờ một phiên bạn ấy đã bán được hơn 700 triệu đồng nông sản, bánh mì cột đèn, hay mật ong rừng ngập mặn…”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến: "Trước đây khi truyền thông làm hội chợ, mỗi ngày lượt xem chỉ trên dưới 1 vạn, 3 ngày 3 vạn người xem, nhưng nay trong các buổi livestream TikTok shop có thời điểm một buổi có tới 30 vạn người xem. Hiện, theo thống kê, đã có 300 triệu người xem livestream. Hashtag #Ocop khi mới đưa ra lượng xem rất mỏng, nhưng nay đã đạt đến 1,1 tỷ triệu người. Như vậy ở đây, giá trị về mặt kinh tế, giá trị về mặt lan toả, hiệu ứng xã hội rất tốt".
Từ kết quả tích cực đã đạt được, ông Tiến đánh giá hiện còn rất nhiều dư địa mà các sản phẩm nông nghiệp nông thôn có thể phát triển. Thậm chí, hoạt động livestream bán hàng được kỳ vọng sẽ không quanh quẩn ở "ao làng" mà có thể tiến tới livestream bán sang thị trường Trung Quốc.
"Nông sản Việt Nam trước đây vẫn chủ yếu chỉ bán được ở các tỉnh sát biên giới như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam với dân số gần 300 triệu người, chưa khai thác hết 1,4 tỷ dân Trung Quốc. Chúng tôi đã và đang thí điểm, hướng tới thuê kho ngoại quan ở các địa phương nằm sâu trong nội địa Trung Quốc để đưa các sản phẩm của Việt Nam sang tập kết tại kho", ông Tiến nhận định.
Chia sẻ lộ trình đưa, trước hết tập trung ở các mặt hàng nông sản chế biến như yến, trái cây chế biến, rau củ quả, gạo, cà phê…, sau này khi đẩy mạnh được hệ thống logistics tốt hơn thì sẽ mở rộng sang sản phẩm trái cây tươi, thậm chí sản phẩm thủ công mỹ nghệ ...”, ông Tiến thông tin.
Tuy vậy, để "đánh" vào thị trường tiềm năng này, tiếp tục khơi thông đầu ra cho các sản phẩm OCOP, ông Tiến cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tận dụng thế mạnh sẵn có về cộng đồng người dùng cùng trọn bộ giải pháp hỗ trợ bán hàng online hiệu quả. Thông qua đó sẽ hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận đa dạng tệp khách hàng tiềm năng, số hóa hoạt động kinh doanh và quảng bá thương hiệu, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh cho người kinh doanh và đa dạng hóa đầu ra cho nông sản bản địa của Việt Nam.
"Định hướng của Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp là không chỉ mời người nổi tiếng, hiện mỗi địa phương Trung tâm đang chọn ra 10-15 chủ thể để đào tạo trở thành những người livestream bán hàng hỗ trợ tập huấn 1-2 tháng, để trở thành những người chính thức mở kênh bán hàng online", ông Tiến nói.
Từ kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo bán hàng trực tuyến tại Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong, cho rằng ngoài đào tạo kỹ năng về công nghệ, cách vận hành, cần đào tạo, hỗ trợ khâu sản xuất và bán hàng, về cả quy trình vận đơn, đóng gói cho đến việc giải quyết phàn nàn của khách hàng.
"Đơn cử, khi chúng tôi đến Đồng Tháp, một địa phương dành nhiều quan tâm cho các sản phẩm OCOP, chúng tôi có nhóm 64 "chiến binh" sẵn sàng 24/7, nhưng không phải ai cũng bán hàng được, mà chỉ có vài ba người. Cho nên, điều cần làm là thay đổi nhận thức về kinh doanh online từ cấp quản lý cho đến các doanh nghiệp cùng những chủ thể đang kinh doanh nông sản bản địa. Phải có sự liên kết, tức là phải tìm đến “kiềng ba chân”: Nông dân, người nuôi trồng, sản xuất - doanh nghiệp chế biến - doanh nghiệp bán hàng.