Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không dễ dãi trong việc chấm điểm các sản phẩm OCOP để hút đầu tư nước ngoài
(DNTO) - "Tuyệt đối không được "dễ dãi" trong việc chấm thẩm định sản phẩm OCOP. HTX và sản phẩm OCOP giống như chim sẻ cần được các địa phương ấp ủ để lớn, đây cũng là khu vực kinh tế nông thôn mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ bên ngoài", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, sáng 7/11, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn Bình Dương cho biết, Nghị quyết 62 của Quốc hội có nêu phấn đấu đến hết 2025 có 25.000 HTX kiểu mới trong nông nghiệp và có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ ba sao trở lên.
Theo đại biểu, hiện tại chỉ mới được nửa nhiệm kỳ nhưng chỉ tiêu 10.000 sản phẩm đã gần đạt. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, có phải chỉ tiêu này đưa ra quá thấp so với tiềm năng thực tế của ngành hay không? Ngành có biện pháp gì để duy trì tính bền vững cho những sản phẩm đã được công nhận? Mục tiêu 25.000 HTX kiểu mới có đạt được không? Hiện nay đã đạt được bao nhiêu phần trăm?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đến thời điểm này cả nước đã phát triển được gần 20.000 HTX nông nghiệp kiểu mới.
Đặc biệt từ khi Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới được ban hành, Luật HTX sửa đổi được ban hành đã có sự chuyển biến lớn về nhận thức của nhiều lãnh đạo địa phương. Nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết để thực hiện Nghị quyết 20, cũng như Luật HTX sửa đổi.
Bộ trưởng Hoan dẫn chứng như tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Hậu Giang..., đây là các địa phương có chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp, truyền cảm hứng về phát triển khu vực này. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ nâng cao chất lượng quản trị, đa dạng hóa dịch vụ, xúc tiến thị trường, ứng dụng công nghệ trong các HTX nông nghiệp.
Về sản phẩm OCOP, Bộ trưởng Hoan thông tin, đến nay có khoảng 10.000 sản phẩm. "Thời gian tới, chúng ta cần hướng tới sản phẩm kết tinh từ tài nguyên bản địa, công nghệ, tạo ý tưởng khởi nghiệp".
Ông Hoan nêu thực trạng, nhiều lãnh đạo địa phương cứ đặt nặng việc "đếm" số đầu sản phẩm OCOP mà không lượng hóa được có bao nhiêu sản phẩm được thị trường hóa thì chưa hiểu hết giá trị của kinh tế nông nghiệp.
"Quan trọng nó phải nằm ở trên cái kệ hàng, và cũng không phải nó chỉ nằm một lần, mà phải nhân giá trị sản phẩm lên. Hôm nay chúng ta thấy nó tốt, nhưng ngày mai chưa chắc còn tốt, bởi sẽ có những sản phẩm ở phía sau tốt hơn, chiếm ưu thế và lấn át thị trường. Vì thế, yêu cầu của kinh tế hàng hóa chính là phải luôn cải tiến, cải tiến, cải tiến. Có như thế thì người tiêu dùng mới thấy được cái mới, cái hấp dẫn của sản phẩm và không rời bỏ nó", ông Hoan nhấn mạnh.
Ông Hoan chỉ rõ một vấn đề trong tiếp thị, giới thiệu quảng bá sản phẩm, đó là làm sao lãnh đạo địa phương phải trở thành người đi tiếp thị sản phẩm cho bà con mình chứ không phải chỉ đóng vai trò phát động để bà con sản xuất, rồi bà con tự đi tìm kiếm thị trường...
Theo Bộ trưởng Hoan, thị trường là chuyện rất khó đối với người tạo ra sản phẩm OCOP. Bởi người tạo sản phẩm OCOP là nông dân, mà nông dân thì đâu có dịp để đi đây đi đó, chỉ có lãnh đạo hay doanh nghiệp mới có thể mở rộng các mối quan hệ tiếp xúc, quảng bá giới thiệu sản phẩm.
"Tối lấy ví dụ, tháng vừa rồi, 7 ông Thống đốc của Nhật Bản đến Việt Nam, vào Văn phòng Bộ NN&PTNT, mỗi ông đem theo một đặc sản của quê hương mình để giới thiệu. Tại sao ông Thống đốc phải đi bán hàng, đơn giản họ nghĩ làm sao để cho người nông dân sản xuất ra sản phẩm tự tin hơn khi có lãnh đạo hiểu, chia sẻ và đồng hành với họ...", ông Hoan dẫn chứng.
Theo Bộ trưởng Hoan, tuyệt đối không được "dễ dãi" trong việc chấm thẩm định sản phẩm OCOP. Hơn nữa, chúng ta cần biết rằng tạo ra sản phẩm đã khó nhưng đưa sản phẩm ra thị trường lại càng khó, phát triển bền vững khó hơn nữa, cũng như làm sao sản phẩm phải có giá tối ưu để cùng với HTX trở thành khu vực kinh tế nông thôn.
“Tôi đề nghị sắp tới, khi đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP, các địa phương cần chú trọng nhiều hơn đến yếu tố cộng đồng, bởi mục tiêu cốt lõi của Chương trình OCOP là tạo việc làm cho nhiều hơn người lao động, có tính bao trùm và gắn kết cộng đồng cao hơn…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mong muốn, mỗi địa phương cần chú trọng 2 khu vực là HTX và OCOP, đây là hai yếu tố hợp thành kinh tế nông thôn. "HTX và sản phẩm OCOP là chim sẻ cần ấp ủ đủ để lớn, đây cũng cơ hội thu hút đầu tư từ nước ngoài vào khi có nền tảng là những con chim sẻ địa phương lớn mạnh".