Để sản phẩm OCOP của Tiền Giang không còn loanh quanh trong tỉnh
(DNTO) - Những khó khăn trong đầu ra đang khiến các doanh nghiệp sản xuất OCOP của Tiền Giang gặp khó trong mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời không nâng cao được giá trị nông sản.
Muôn nẻo khó khăn đầu ra cho sản phẩm OCOP
Tiền Giang hiện có hơn 80.000 ha trồng cây ăn trái và sản lượng hàng năm trên 1,8 triệu tấn trái cây các loại, với nhiều loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, Bưởi, Sầu riêng Cai Lậy, trái sữa Vĩnh Kim, Khóm Tân Phước, Thanh long Chợ Gạo...
Tuy vậy, bài toán tìm đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của Tiền Giang vẫn là câu chuyện còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp đang khá chật vật trong việc tiêu thụ các sản phẩm.
Đại diện một doanh nghiệp tại huyện Châu Thành, Tiền Giang cho biết, hiện doanh nghiệp của ông đang có 42 mặt hàng tất cả, trong đó hơn 10 sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao. Tuy nhiên, nhiều năm nay, ngay cả khi sản phẩm trở thành các sản phẩm OCOP, giá bán sản phẩm vẫn không thay đổi, chỉ một hoặc hai mặt hàng lên giá nhẹ.
"Trước tôi có đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị nhưng sau dịch, sức mua giảm, lại lo lắng hàng tồn kho, thiếu nợ... nên tôi ngưng đưa vào. Hiện đầu ra của chúng tôi vì vậy giảm mạnh", doanh nghiệp cho biết.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại chật vật không thể vào hệ thống siêu thị khi các nhà phân phối đưa ra hàng loạt các ràng buộc về mẫu mã, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc. Họ tự tìm đường đi riêng cho sản phẩm, phần lớn qua truyền tai, giới thiệu, khi mà quy mô doanh nghiệp nhỏ, việc quảng bá thương hiệu còn hạn chế.
"Sản phẩm của doanh nghiệp phần lớn được mua trực tiếp, online, ăn một lần họ nhớ và tìm đến mua chứ chúng tôi chưa vào kênh siêu thị nào", đại diện một doanh nghiệp chuyên về bánh phồng tôm của Tiền Giang cho biết.
Sản phẩm bánh phồng tôm càng xanh của doanh nghiệp được đóng gói đẹp, bao bì sang trọng. Dù vậy theo anh, tháng 12 tới đây, sản phẩm bánh phồng của doanh nghiệp sẽ hết thời hạn chứng nhận OCOP, tuy nhiên cả thời gian qua giá bán vẫn giữ nguyên không thay đổi.
Với nhiều doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, sản phẩm lại chỉ đi được đường tiểu ngạch, việc đi theo chính ngạch vẫn còn nhiều cản trở.
"Hiện chúng tôi đang có 50 phòng nuôi Đông trùng hạ thảo. Trước mắt mới được đi đường tiểu ngạch, chưa được chính ngạch. Giấy tờ FDA mình có hết nhưng về thủ tục bên nhập họ có quy định khắt khe. Ngoài ra không đơn giản là thủ tục mà còn nhiều cái bên trong", đại diện một daonh nghiệp của Tiền Giang cho biết.
Khó khăn đầu ra đang khiến cho các doanh nghiệp ngại ngần mở rộng sản xuất kinh doanh, làm ăn cầm chừng, nghe ngóng. Một câu chuyện không riêng của Tiền Giang mà của nhiều tỉnh ở ĐBSCL, mảnh đất được nhiều ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu với nguồn nông sản dồi dào, phong phú.
Chung tay đưa nông sản Tiền Giang đi xa
Xuất phát từ lý do trên, Tiền Giang đã khai mạc Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang, đồng thời tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 tại TP.HCM vào hôm nay, ngày 29/8.
Chia sẻ với báo chí, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, sự kiện là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Tiền Giang.
Hiện tại, không riêng Tiền Giang mà các tỉnh ĐBSCL cũng đang gặp khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm khi quy mô doanh nghiệp không lớn, kinh nghiệm quảng bá xây dưng thương hiệu chưa nhiều, ngoài ra còn khó khăn trong logistics. "Sự hợp tác" cùng nhau giữa các Tiền Giang và TP.HCM là điều ông kỳ vọng.
"Thời gian vừa qua việc tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn và chúng ta không quên được các câu chuyện giải cứu. Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp trong tỉnh qua các sự kiện này tìm được kênh phân phối khi tiếp xúc với các doanh nghiệp TP.HCM và nước ngoài. Chúng tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp TP.HCM sẽ hiểu hơn về Tiền Giang và đến Tiền Giang để kết nối các dự án", ông Lưu Văn Phi cho biết.
Cũng theo ông, muốn giảm rào cản thì các doanh nghiệp, các nhà phân phối phải gặp nhau. Doanh nghiệp cần xem các tiêu chí mà phân phối đưa ra từ đó có lộ trình thực hiện. "Kiên trì chúng ta sẽ làm được", ông nhấn mạnh.
Cũng trong buổi lễ sáng nay, lãnh đạo TP.HCM cũng thể sự nhiệt tình và quyết tâm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Tiền Giang tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tại hội nghị, ông đánh giá cao Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 tổ chức ngày hôm nay.
"Đây là hoạt động rất thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội xúc tiến thương mại, hình thành và từng bước mở rộng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước, góp phần giới thiệu tổng thể sự phát triển năng động của tỉnh Tiền Giang, quảng bá các sản phẩm có chất lượng và doanh nghiệp có thương hiệu uy tín, thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Từ tháng 1/2019, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBND về việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Gần 5 năm qua, Tiền Giang đã có hơn 200 sản phẩm OCOP, trong đó có 95 sản phẩm 4 sao, 112 sản phẩm 3 sao và đang đề nghị 5 sản phẩm lên 5 sao.
Tiền Giang kỳ vọng, với các sự kiện kết nối, các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh có cơ hội được lắng nghe để thay đổi, nâng cấp mình, hòa nhập vào dòng chảy thương mại ngày càng sôi động trong nước và thế giới.
Cũng tại Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023, đại diện Tổng Công ty TM Sài Gòn – TNHH MTV (Satra) đã ký kết văn bản ghi nhớ với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã Tiền Giang trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện đầu ra cho các sản phẩm. "Tôi hy vọng rằng với những giải pháp trên, SATRA và các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tại tỉnh Tiền Giang sẽ có thể kết nối và hợp tác hiệu quả trong việc phân phối và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang. Đây không chỉ là cơ hội để phát triển kinh tế của cả hai bên, mà còn là cơ hội để góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của tỉnh Tiền Giang nói riêng và Việt Nam nói chung", đại diện Satra, bà Đỗ Thị Dậu - Trưởng Ban quản lý Hệ thống bán lẻ SATRA chia sẻ. Hiện, SATRA quản lý và điều hành khoảng 50 đơn vị thành viên, liên kết, trong đó, hệ thống bán lẻ gồm 2 Trung tâm thương mại Centre Mall, 3 siêu thị Satramart và chuỗi gần 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods trải dài khắp TP.HCM và TP. Cần Thơ. Bình quân mỗi ngày hệ thống bán lẻ SATRA cung ứng hơn 15 tấn rau, củ quả, trái cây, trong đó, nguồn cung cấp từ khu vực ĐBSCL chiếm 70% tổng sản lượng. |