Kỳ vọng hút tỷ USD, song nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang bị ghìm chân từ những hàng rào kép
(DNTO) - Nhận diện những gam màu sáng tối của xuất khẩu nông sản trong 10 tháng qua, điều các doanh nghiệp cần làm lúc này là bám sát tình hình để tìm cơ hội tăng trưởng chặng nước rút. Song, quan trọng hơn cả là cần hạn chế những quy định gây trở ngại cho các doanh nghiệp trong hai lĩnh vực trọng yếu này.
Những gam màu sáng tối
Quý 4 hằng năm là “mùa vàng” cho kinh doanh xuất khẩu, nên doanh nghiệp thuộc các ngành hàng đang tận dụng tối đa khoảng thời gian này để chốt đơn hàng, đẩy nhanh sản xuất, giao hàng đúng hẹn. Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đang có nhiều lợi thế tăng tốc xuất khẩu là thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều… Đều nằm trong “câu lạc bộ” xuất khẩu tỷ USD, nên các mặt hàng này tăng tốc sẽ góp phần cải thiện đáng kể kết quả xuất khẩu chung của toàn ngành nông nghiệp năm 2023.
Số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 10 năm 2023 ước đạt 4,8 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 43 tỷ USD. Càng về cuối năm xuất khẩu càng có mức phục hồi rõ hơn.
Rau quả tiếp tục giữ vững vị trí ngôi vương về khả năng tăng tốc, những dự báo mới nhất cho thấy kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể sẽ đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Rau quả là nhóm mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng nhất trong gần 10 tháng qua, đạt 4,9 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc vẫn là ông lớn "bạo chi" số một về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam.
Tiếp đến là gạo, tính chung 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Với con số trên, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt qua mốc 3,65 tỷ USD (năm 2011), chính thức thiết lập kỷ lục lịch sử mới sau 34 năm tham gia thị trường thế giới. Năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo và chuyển sang xuất khẩu.
Cùng với đó, theo dự báo hoạt động xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong 2 tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ phục vụ cho các dịp lễ, tết sẽ tăng mạnh. Tính riêng 10 tháng, xuất khẩu hạt điều của nước ta ước đạt 456 nghìn tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, bên cạnh gam màu sáng thì vẫn có những gam màu tối cho xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng qua, trong đó có 5 mặt hàng còn lại đều ghi nhận giảm, gồm: Thủy sản, chè, hồ tiêu, sắn, cà phê.
Đơn cử như giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 chỉ đạt 430 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm đạt gần 3,5 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ. Mới đây, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh trong quý 4/2023 ở doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu cá tra là CTCP Vĩnh Hoàn, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS cho rằng nhu cầu nhập khẩu phục hồi nhẹ vào quý 4/2023 khi các dịp lễ hội bên phương Tây đến gần.
Tuy nhiên, bộ phận phân tích cũng lưu ý rủi ro là tồn kho cá tra ở các nước nhập khẩu vẫn ở mức cao, dự báo phải đến hết tháng 6/2024 nhu cầu nhập khẩu mới hồi phục mạnh trở lại. Lạm phát kéo dài ở các quốc gia nhập khẩu ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng.
Cùng đà giảm, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tính lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 10/2023 đã sụt giảm 10% so với năm trước. Không những vậy, báo cáo mới đây của Nedspice Group và Simexco Daklak đều có chung nhận định sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ giảm 15% trong năm 2024.
Nhìn chung, trước những gam màu sáng tối của xuất nông lâm thủy sản trong 10 tháng qua và những dự báo đầy triển vọng hay thách thức ở phía trước đòi hỏi các doanh nghiệp bám sát tình hình để tiếp tục có những đối sách phù hợp nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng cho mình trên chặng đường cuối năm.
Gỡ vướng những quy định đang "làm khó" doanh nghiệp để bứt phá
Trong khi cơ hội để củng cố vị thế xuất khẩu gạo rất lớn, hay ngành thủy sản nỗ lực tìm đường phục hồi giữa bộn bề khó khăn thì lại đang hiện hữu những quy định quản lý “khó nhằn”, thiếu nhất quán trong dự thảo một số thông tư mới như “ủy thác xuất khẩu”, “truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa”. Điều đó không khác gì "ghìm chân", hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp trong hai lĩnh vực trọng yếu này.
Mới đây, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương soạn thảo vào thượng tuần tháng 10/2023. Khi góp ý vào dự thảo này với phiên bản 4, trước điều kiện đặt ra về ủy thác xuất khẩu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý “quy định này cũng sẽ không cho phép doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo nhận uỷ thác xuất khẩu từ doanh nghiệp chưa có giấy phép, từ đó hạn chế cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng thâm nhập các thị trường mới”.
Như phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo, các yêu cầu về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn yêu cầu chi phí đầu tư lớn, kể cả trong trường hợp đi thuê. Các điều kiện này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo số lượng lớn nhưng rất khó đáp ứng đối với doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng thâm nhập các thị trường mới.
Hơn nữa, khách hàng tại các thị trường này (như các siêu thị, chuỗi cửa hàng…) thường có nhu cầu tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp nhiều loại nông sản cùng lúc, chứ không chỉ riêng mặt hàng gạo. Các doanh nghiệp này vẫn không thể đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cao như trên mà buộc phải uỷ thác xuất khẩu cho doanh nghiệp đủ điều kiện. Chính vì vậy, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo cần bỏ quy định doanh nghiệp có giấy phép chỉ được nhận uỷ thác xuất khẩu từ thương nhân khác có giấy phép.
Cùng chung nỗi niềm, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản cũng đang có không ít vướng mắc từ những quy định "khó nhằn". Đơn cử, cuối tháng 9/2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã gửi kiến nghị loạt bất cập liên quan đến dự thảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. VASEP cho rằng, đã có một số nội dung quy định trong Dự thảo này chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
“Khi doanh nghiệp phải thực hiện cả quy định của nước nhập khẩu và quy định của nước xuất khẩu sẽ khiến cho doanh nghiệp tăng gấp đôi khối lượng công việc, cũng như nguồn nhân lực để đáp ứng. Điều này dẫn đến tăng chi phí và thời gian thực thi cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa và của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp các nước khác trong khu vực và trên thế giới”, Tổng thư ký VASEP băn khoăn.
Không những vậy, Tổng thư ký VASEP cũng chỉ rõ tình trạng mâu thuẫn chồng chéo với các quy định hiện hành về truy xuất nguồn gốc của Việt Nam. Đó là hiện tại, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đều đã ban hành các Thông tư về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của 2 Bộ. Song, các quy định của 2 Bộ này lại có nhiều điểm không đồng nhất với các quy định của Dự thảo về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa mà Bộ Khoa học và Công nghệ vừa soạn thảo.
"Điều này gây khó khăn cho việc tuân thủ của các đối tượng nằm trong phạm vi áp dụng của 2 Thông tư trên. Do đó, VASEP đề nghị loại trừ các đối tượng áp dụng thuộc 2 Thông tư trên ra khỏi đối tượng áp dụng của Dự thảo", ông Hòe kiến nghị.
Theo các chuyên gia, việc soạn thảo một thông tư mới như vậy lại diễn ra trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn bộn bề khó khăn ở phía trước, tình hình hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu vẫn còn nhiều, lạm phát kéo dài cũng khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, rồi giá xuất khẩu cũng giảm... càng hạn chế cơ hội cho sự phục hồi. Đây là điều mà nhà hoạch định chính sách cần xem xét nhằm có các bước điều chỉnh hợp lý hơn, để tạo sức bật cho doanh nghiệp về đích.