'Vét sạch' kho không đủ xuất khẩu, cần ưu tiên nguồn lực cho gạo Việt cán đích 4 tỷ USD
(DNTO) - Giá gạo Việt hiện đang ở mức rất cao do chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Tuy nhiên, để gia tăng sản lượng và giá trị, đảm bảo cho xuất khẩu, mặt hàng này cần được ưu tiên về vốn, chú trọng dự báo dài hạn về nhu cầu, cũng như nguồn lực trong xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường.
Tại cuộc họp về xuất khẩu gạo ngày 6/7, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), cho biết 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong nửa đầu năm nay với khối lượng đạt 1,5 triệu tấn, tăng tới 31% so với cùng kỳ, thị phần chiếm đến 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với khối lượng hơn 632.000 tấn, tăng 63%...
Về giá gạo xuất khẩu, bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Cụ thể, tính đến ngày 23/6, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo hiện đang ở mức rất cao. Dự báo từ nay đến cuối năm các thị trường lớn sẽ vẫn tiếp tục tăng mua gạo để dự trữ với số lượng lớn. Điển hình vài ngày tới, Indonesia tiếp tục mở thầu 300.000 tấn và dự kiến sẽ liên tục mở thầu. Điều này sẽ làm cho giá gạo Việt tăng mạnh", bà Tâm cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, bà Tâm cũng trăn trở làm sao để đảm bảo dự trữ tồn kho. Bởi đây là vấn đề không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn liên quan đến xuất khẩu những tháng đầu năm 2024.
Ngoài ra theo bà Tâm, hiện nay khó khăn nhất là vấn đề vốn, tín dụng. Do đó, kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp. Bởi khi vào vụ thu hoạch mà lãi suất cao thì doanh nghiệp sẽ “rón rén” trong thu mua. Nếu lãi suất hợp lý thì doanh nghiệp sẽ hành động mạnh dạn, hành động sớm hơn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng cơ hội lớn đến nhưng chúng ta chưa tận dụng được. Doanh nghiệp thiếu thông tin hoặc tiếp cận thông tin chậm nên gặp khó trong việc chuẩn bị nguồn cung xuất khẩu.
Đề cập về những giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nhấn mạnh các thị trường đang tăng cường nhập khẩu gạo để ăn và dự trữ. Bộ ước tính xuất khẩu gạo cả năm đạt khoảng 8 triệu tấn, thu về 4 tỷ USD.
"Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường. Đánh giá, dự báo dài hạn về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại từng khu vực thị trường để phục vụ định hướng, điều chỉnh hoạt động sản xuất đảm bảo lượng hàng cho xuất khẩu...", Bộ trưởng Hoan nói đồng thời nhận định, sẽ ưu tiên nguồn lực cho xuất khẩu gạo. Do đó, từ nay đến ngày 15/7, các doanh nghiệp cần tính toán ngay một chiến lược, vạch sẵn kế hoạch về những khó khăn, vướng mắc gửi Bộ NN&PTNT, để cùng phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ các điểm nghẽn, không để mất cơ hội này.