Nhiều tiền đề mở ra kỳ vọng cho tăng trưởng xuất khẩu 2023
(DNTO) - Năm 2022 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã "phá băng" và ghi tên mình vào những cột mốc lịch sử với dấu ấn “câu lạc bộ tỷ USD và chục tỷ USD”. Đây chính là tiền đề mở ra những kỳ vọng cho sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023.
Tín hiệu lạc quan
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng năm 2023 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ thắng lớn. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì gạo là lương thực thiết yếu mà quốc gia nào cũng cần, trong khi nguồn cung gạo của nhiều quốc gia bị thu hẹp lại do biến đổi khí hậu. Minh chứng là doanh nghiệp đã ký kết và sẽ giao khoảng 30.000 tấn gạo trong quý 1/2023 cho các thị trường như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc.
"Lịch chúng tôi giao hàng khoảng tháng 4/2023 mới xong các hợp đồng mới. Hàn Quốc mua 20.000 tấn, 4.000 tấn đi Singapore và 2.000 tấn đi Malaysia", ông Bình cho hay.
Tương tự Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị được chọn xuất khẩu đơn hàng gạo đầu tiên sang thị trường EU. Sau đơn hàng đầu tiên, các đối tác EU tiếp tục đặt hàng cho những lô gạo tiếp theo. Ngay từ tháng 10/2022, Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU vào năm 2023.
Về “bức tranh” xuất khẩu rau quả năm 2023, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, nhờ "bẻ khóa" thị trường tại Trung Quốc vào ngày 8/1 mới đây, đã mang đến kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp, nên đây có thể là năm bùng nổ của ngành rau quả. “Hiện nay, thị trường đang dần mở cửa, giảm bớt kiểm soát dịch Covid-19, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu tốt hơn. Ngoài ra, dần dần những khó khăn về logistics, về vận chuyển được tháo gỡ, giá cước càng ngày càng giảm, càng rẻ cũng taọ điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam”.
Các mặt hàng xuất khẩu mới được mở cửa ở nhiều thị trường trong năm 2022 cũng như tác động tích cực từ 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết, thực thi chắc chắn tạo ra động lực lớn cho XK rau quả. “Năm 2023 tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 20% so với năm 2022. Năm 2022 đạt 3,4 tỷ USD thì năm 2023 xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD”, ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.
Đối với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho hay, với sự nỗ lực của toàn ngành, năm 2023, ngành dệt may đưa ra các kịch bản tăng trưởng, trong đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt từ 47 - 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD.
Đặc biệt, đóng góp vào thành tích hơn 53 tỷ USD của toàn ngành nông nghiệp, năm 2022 thủy sản nổi lên là một ngành tạo ra nhiều sự đột phá. Lần đầu tiên, sau hơn 20 năm gia nhập thị trường quốc tế, xuất khẩu thủy sản gần chạm mốc 11 tỷ USD. Đây là nỗ lực rất lớn của cả ngành hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp duy trì chuỗi sản xuất liên tục, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tận tốt cơ hội từ các thị trường.
Thừa thắng xông lên, năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn, bằng 96,7% so với ước thực hiện năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD.
"Chúng tôi đã đặt hàng một số chuyên gia họ sẽ vào Trung Quốc vào thời điểm đó để có đánh giá và dự báo cho thị trường này. Chúng tôi hy vọng năm nay, thị trường này đạt 1,6 tỷ USD thì năm sau có thể cao hơn", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết.
Cơ hội bùng nổ
Theo đánh giá của các chuyên gia, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam dù đã chinh phục được nhiều thị trường quốc tế, song xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung vào 4 thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn phải tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường, tìm khách hàng mới nhằm giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tăng lợi thế hàng hóa.
Đồng thời, doanh nghiệp phải đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại, định hướng sản xuất “xanh- tuần hoàn”, thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số mô hình quản trị sản xuất- kinh doanh, chuyển đổi phương thức kinh doanh trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ số, nhất là cần đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và tham gia các sàn thương mại điện tử thế giới...
Đặc biệt, với những giải pháp, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ là nền tảng để xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023.
"Bắt mạch" tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, những lợi thế từ FTA, đặc biệt là ưu đãi thuế quan tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới sẽ là công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho các doanh nghiệp, tạo ra lợi thế cạnh tranh để có thể tiếp tục giữ vững, mở rộng thị phần ở các thị trường có FTA.
Để tận dụng được lợi thế này, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ VHTT&DL triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam, thiết kế riêng cho từng thị trường, trong đó nhấn mạnh ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ.
Theo đó, Thương vụ Việt Nam ở các thị trường FTA sẽ xây dựng kênh kết nối đối tác với doanh nghiệp Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.
“Với các biện pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, thực chất của các cơ quan quản lý cùng với nỗ lực của từng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chúng ta sẽ có đủ niềm tin và động lực để vượt sóng lớn và tiếp tục phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo”, bà Trang kỳ vọng.