Ngành cá tra có nhiều cơ hội để viết tiếp kỷ lục xuất khẩu trong năm 2023
(DNTO) - Nhờ tận dụng triệt để cơ hội về giá cũng như nhu cầu thị trường khiến giá trị xuất khẩu cá tra vượt trội so với sản lượng khi dự kiến năm 2022 sẽ cán đích 2,4 tỷ USD - đỉnh cao nhất trong lịch sử. Các chuyên gia cho rằng, ngành hàng này còn nhiều cơ hội "bơi xa" hơn nữa trong năm tới.
Cá tra là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản với sản lượng hàng năm khoảng 30% tổng sản lượng cả nước. Diện tích nuôi cá tra khoảng 5.700 ha, tập trung tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Khởi đầu với con số khiêm tốn 1,6 triệu USD năm 1997, xuất khẩu cá tra đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cũng có thời điểm thăng hoa với kim ngạch 2,2 tỷ USD và đặc biệt năm 2022 là năm ghi dấu kỷ lục xuất khẩu của ngành hàng này khi đóng góp gần 22% vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Cụ thể, số liệu từ Bộ NN&PTNT, 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng tới 63% so với cùng kỳ. Lạm phát toàn cầu kéo nhu cầu tiêu thụ cá tra của các thị trường đi xuống trong nửa cuối năm, song xuất khẩu cá tra cả năm 2022 được dự báo sẽ lập kỷ lục với kim ngạch 2,4 - 2,5 tỷ USD, (năm 2021, xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD), đồng thời là đỉnh cao nhất trong lịch sử xuất khẩu của ngành hàng này.
Đáng chú ý, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá xuất khẩu cá tra phi lê tăng từ 28 - 66% so với cùng kỳ năm 2021, kéo theo giá cá tra nguyên liệu cũng tăng. Giá thu mua cá nguyên liệu duy trì mức 27.000 - 29.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giữ ở mức 30.000 - 31.000 đồng/kg, cao hơn trung bình khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Doanh nghiệp, cơ sở nuôi tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra đều đồng loạt báo lãi.
Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông vẫn tăng tới 79% so với cùng kỳ, đạt 675 triệu USD. Trong đó, sang Trung Quốc đạt 636 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ, Hồng Kông đạt gần 38 triệu USD, tăng 46%.
Riêng sản phẩm cá tra phile đông lạnh mã HS 0304 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 472 triệu USD, chiếm 74% giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này. Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệp xuất khẩu đông đảo nhất. với khoảng 160 doanh nghiệp.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và một số thị trường châu Á để tận dụng lợi thế thuế quan và yếu tố địa lý.
Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Canada tăng đột phá nhất, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 40 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra. Có 92% sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường này là cá phile/cắt khúc đông lạnh, sản phẩm cá nguyên con đông lạnh chỉ chiếm hơn 6%, còn lại là cá tra chế biến. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường Australia, Singapore, Malaysia và Chile đều tăng trưởng ba con số với tỷ lệ tăng từ 108 đến 166% so với cùng kỳ.
Nhìn sang năm 2023, mặc dù vẫn còn ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế, nhưng dự báo xuất khẩu cá tra vẫn giữ vững phong độ. Nguyên nhân là Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định FTA, đáng chú ý là các hiệp định RCEP, EVFTA, CPTPP…, cùng với đó, cá tra Việt Nam được xem là mặt hàng có mức giá tốt nhất, vừa "túi tiền" của người tiêu dùng trong thời điểm lạm phát cao như hiện nay.
Bên cạnh đó là thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gia áp dụng chính sách "Zero Covid", như cầu thị trường này sẽ tăng mạnh trong năm 2023, đó là các điều kiện thuận lợi về mặt thị trường để ngành hàng cá tra của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2023.
Để các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu tận dụng được cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2023, mới đây, đại diện VASEP cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành có biện pháp kiểm soát giá cả nguyên vật liệu, vật tư, thuốc, thức ăn. Đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc về việc đưa ra quy chuẩn nước thải vùng nuôi thủy sản cao hơn quy chuẩn của quốc tế, khiến cho các vùng nuôi rất khó thực hiện.
Nêu quan điểm tại Lễ hội cá tra lần thứ I với chủ đề "cá tra vươn ra biển lớn", ngày 16/12, TS. Võ Hùng Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết, năm 2023 dự báo có rất nhiều thách thức, cần có những giải pháp mới để xuất khẩu cá tra không rơi vào suy thoái.
Đồng thời nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT hiện có tham tán thương mại ở một số nước trọng điểm cần nỗ lực nhiều hơn trong quảng bá, tiếp xúc hỗ trợ xuất khẩu cá tra.
Đến thời điểm này, xuất khẩu cá tra đã đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD. Ðể đạt được mục tiêu về đích xuất khẩu cả năm 2022 đạt hơn 2,4 tỷ USD, và "dọn đường" cho năm 2023, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài.
"Đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi, sản xuất giống cá tra ứng dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá tra nhằm nâng cao tỷ lệ sống, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên nước và điều kiện tự nhiên. Từng bước thay đổi phương thức và cách tiếp cận kinh doanh, phù hợp thói quen tiêu dùng mới trong thời đại công nghệ 4.0", hứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiếnnhấn mạnh.
Ðặc biệt, cần tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu, quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh chế biến sâu, chủ động vùng nguyên liệu, thị trường để đạt được mục tiêu xuất khẩu đã đặt ra...