Xuất khẩu nông sản bứt phá kỷ lục chưa từng có với hơn 53,2 tỷ USD
(DNTO) - Vượt qua khó khăn, thách thức từ các tình huống bất thường, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, trong đó nhiều nhóm hàng vượt mục tiêu, báo tin kỷ lục mới cao nhất từ trước đến nay.
Ngày 27/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2022 đạt kỷ lục mới trên 53,22 tỉ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Đây cũng là mức cao nhất lịch sử, vượt mục tiêu đề ra hồi đầu năm là 50 tỷ USD.
Đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành, nhóm nông sản chính đạt 22,6 tỷ USD (tăng 4,8 %); lâm sản chính đạt gần 17 tỷ USD (tăng 6,1%); thủy sản đạt 10,9 tỷ USD (tăng 22,9%); chăn nuôi đạt 400 triệu USD (giảm 7,1%).
Đáng chú ý, năm nay có tới 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 2 tỷ USD (gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), và 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD).
Đặc biệt, năm 2022, thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Đây là con số lịch sử của ngành nông nghiệp, đóng góp chủ lực (chiếm khoảng 77%) trong tổng giá trị xuất siêu của cả nền kinh tế năm nay.
Tư lệnh ngành nông nghiệp Lê Minh Hoan cho rằng, để có kết quả trên, năm 2022 toàn ngành nông nghiệp tổ chức quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn vươn lên, thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, "đổi mới tư duy" để vượt qua khó khăn, thách thức từ các "tình huống bất bình thường" của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.
Quan trọng hơn, tư duy kinh tế nông nghiệp bắt đầu bén rễ, làm cái thị trường cần thay vì bán cái mình có. Người nông dân, doanh nghiệp đã biết chăm chút hơn cho sản phẩm của mình để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường.
Bộ trưởng nhận định, năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn hơn khi lạm phát toàn cầu thẩm thấu, lan toả đến các quốc gia, tiêu chuẩn và quy chuẩn về hàng hoá của các thị trường ngày càng khắt khe hơn... Chúng ta phải có kế hoạch chủ động thích ứng, tiếp tục mở rộng thị trường, chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do.
"Mọi thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn. Thay đổi có thể tạo ra hình ảnh mới, giá trị mới, thương hiệu mới và tạo ra nhiều việc làm mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.