Tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp sẽ chinh phục được thị trường khó tính
(DNTO) - Để chinh phục thị trường khó tính, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và quan niệm – từ số lượng sang chất lượng; tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường...
Chia sẻ về vấn đề xây dựng, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tại Diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp”, chiều 22/11, TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, nhiều thị trường đã yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói của nước xuất khẩu phải được giám sát chặt chẽ và được cấp mã số định kỳ.
TS. Phan Thị Thu Hiền cho biết, các vùng trồng và cơ sở đóng gói cần đảm bảo việc tuân thủ yêu cầu của từng quốc gia, từng thị trường. Cùng một mặt hàng nông sản nhưng mỗi thị trường sẽ có quy định khác nhau.
Bên cạnh đó, các vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ được đăng ký trên tinh thần tự nguyện, sau đó sẽ được kiểm tra, đánh giá định kỳ và phải được công nhận bởi các nước nhập khẩu, giám sát bởi cơ quan quản lý.
Nhấn mạnh quy trình yêu cầu thiết lập vùng trồng, bà Hiền nêu rõ gồm 5 bước, đó là: xác định diện tích; sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng; kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước; có nhật kí canh tác; thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP.
Bà Hiền nêu thực trạng hiện nay việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê…
"Đặc biệt, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam", bà Hiền nhấn mạnh.
Chia sẻ về thị trường Trung Quốc, một thị trường vô cùng tiềm năng đối với nông sản Việt Nam, bà Hiền cho hay, hiện nay, thị trường Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch. Cùng với đó tăng cường giám sát, yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Theo đó, bà Hiền kiến nghị bên phía Việt Nam cần chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin mở cửa thị trường, quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Thông tin tại Diễn đàn, TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh: "Thị trường Trung Quốc hiện mới tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đối với các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đã nhận cảnh báo từ phía bạn về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật".
Bên cạnh đó, đối với thị trường Nhật Bản, các quy định đều thuận lợi cho doanh nghiệp song yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp sang thị trường này; Hàn Quốc cũng là một thị trường khó tính. Họ có quy định cụ thể về dư lượng, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); Đối với thị trường EU, sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường này cần tuân thủ các quy định về ATTP. Doanh nghiệp cần đăng ký danh sách với cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và phê duyệt vào danh sách được phép xuất khẩu sang EU...
Với các quy định này, ông Hòa kiến nghị doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các qui định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức và quan niệm – từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường...
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Phước Hòa, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, hiện nay quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản đang gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên là vấn đề chi phí, trong đó bao gồm chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và các chi phí quản lý.
Khó khăn thứ hai là thời gian, trong đó bao gồm thời gian kiểm soát các công đoạn theo tiêu chuẩn, thời gian lập và lưu trữ hồ sơ, thời gian đánh giá lại các hoạt động đã thực hiện và thời gian cập nhật, trao đổi thông tin.
Vấn đề thứ ba mà Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đưa ra là văn hóa trong sản xuất. Có thể kể đến như mô hình quản lý theo quy mô hộ gia đình, chưa tách biệt rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của đội ngũ nhân sự. Thói quen và tập quan trồng trọt, canh tác, thu hoạch cũ và chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc lưu lại bằng chứng tuân thủ quy định…