Bước ngoặt thuế quan của Trump khiến các công ty bối rối

(DNTO) - Hành động quay ngắt đột ngột của Tổng thống Donald Trump, tạm hoãn 90 ngày cho thuế nhập khẩu đối với hàng chục quốc gia, đã khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các đối tác thương mại của Hoa Kỳ rối loạn về định hướng chính sách của Mỹ.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump, hiển thị trên màn hình TV tại sàn chứng khoán New York. Ảnh: AP News
Sự thay đổi đột ngột trong chính sách đánh thuế toàn cầu sâu rộng mà Trump công bố tuần trước đã tạo ra một trong những đợt tăng mạnh mẽ nhất trên thị trường tài chính toàn cầu tính từ sau thế chiến thứ hai. Nhưng chính hành động này cũng làm tê liệt các doanh nghiệp và làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới sẽ rơi vào suy thoái.
Thư ký báo chí Nhà Trắng, Karoline Leavitt, đã mô tả sự thay đổi đột ngột trong chính sách như một phần của chiến lược thương thảo lớn hơn của chính quyền Mỹ với các quốc gia đối tác thương mại. Nhưng đối với những người ngoài cuộc, nó trông giống như một bước lùi trước áp lực thị trường và nỗi lo sợ ngày càng tăng rằng chính sách thuế quan của Mỹ không có định hướng rõ ràng.
Daniel Russel, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết: "Các quốc gia khác sẽ hoan nghênh việc hoãn thi hành thuế đối ứng trong 90 ngày, tốt hơn nếu thời hạn được kéo dài hơn nữa. Nhưng phản ứng dữ dội từ xung đột liên tiếp của chiến tranh thương mại tạo ra nhiều sự bất ổn, điều mà các doanh nghiệp và chính phủ ái ngại".
"Các chiến thuật mạnh tay của chính quyền Mỹ đã làm các đồng minh lo lắng, họ coi sự đảo ngược đột ngột này là biện pháp kiểm soát thiệt hại sau sự sụp đổ của thị trường, thay vì là sự chuyển hướng sang các cuộc đàm phán song phương bình đẳng", ông nói thêm.
Quyết định đảo chiều của Tổng thống Trump đã khép lại một tuần đầy biến động trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Vào thứ Tư tuần trước, 02/4, ngày mà Trump gọi là "Ngày Giải phóng'', Tổng thống Mỹ đã công bố kế hoạch áp thuế đối với hầu hết quốc gia trên thế giới, làm đảo lộn hệ thống thương mại thế giới. Kế hoạch thuế quan đi vào hiệu lực vào thứ Bảy kế tiếp đã áp dụng mức thuế "cơ bản" 10% đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia, và với nhiều trường hợp còn cao hơn nữa.
Nhưng vào lúc nửa đêm thứ Tư 9/4, Tổng thống Mỹ đã tăng cái mà ông gọi là “thuế đối ứng” đối với các quốc gia mà ông cáo buộc có hành vi thương mại không công bằng và làm tăng thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ. Đó cũng là mức thuế mà ông đã đình chỉ trong 90 ngày, nói rằng việc tạm dừng sẽ cho thêm thời gian để các quốc gia có cơ hội đàm phán với chính quyền Mỹ.
Có một ngoại lệ đối với lệnh hoãn này: Ông vẫn sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức đáng kinh ngạc là 125%, trừng phạt Bắc Kinh vì đã công bố mức thuế trả đũa đối với Hoa Kỳ. Trong khi đó, mức thuế cơ sở 10% vẫn được áp dụng.
Cắt giảm, trì hoãn kế hoạch
Các chiến thuật liên tục thay đổi của chính quyền Donald Trump, bao gồm các khoản thuế trước đó đối với ô tô, thép và nhôm, cũng như thuế đối với hai nước láng giềng là Mexico và Canada, đã gây ra khá nhiều thiệt hại, khiến các công ty choáng váng. Họ đã phải trì hoãn hoặc hủy bỏ nhiều kế hoạch trong khi cố gắng tìm hiểu ý định của Trump và cách đối phó thích hợp.
Một trong các biện pháp tạm thời là cắt giảm nhân sự sau khi lệnh áp thuế trên diện rộng của Trump được công bố, bên cạnh đó cũng có dấu hiệu cho thấy nhiều công ty đã hoãn tuyển dụng vì tình hình bất ổn lan rộng.
Hãng sản xuất ô tô Stellantis đã tạm thời cắt giảm 900 việc làm tại các nhà máy ở Michigan và Indiana vì hoạt động sản xuất bị dừng lại tại hai nhà máy ở Canada và Mexico sau khi Trump áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu.
Cleveland-Cliffs đã sa thải 1.200 công nhân tại một nhà máy ở Michigan và một mỏ quặng sắt ở Minnesota để ứng phó với nhu cầu giảm từ các công ty ô tô. Cleveland-Cliffs cho biết họ sẽ tiếp tục sản xuất tại hai cơ sở này khi hoạt động sản xuất ô tô trở lại Hoa Kỳ.
Biên bản cuộc họp trong hai ngày 18-19/3 của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ được công bố hôm thứ Tư, cho thấy nhiều nhà hoạch định chính sách của cơ quan này cho biết, các đối tác kinh doanh của họ "báo cáo đã tạm dừng các quyết định tuyển dụng do tình hình chính sách không chắc chắn".
Và Delta Air Lines cho biết vào đầu ngày thứ Tư rằng nhu cầu về các chuyến đi giải trí trong nước và du lịch công ty đã đình trệ vì sự bất ổn của thương mại toàn cầu. Trong một cuộc gọi hội nghị với các nhà đầu tư, công ty này cho biết họ đang cắt giảm năng lực. Họ cũng từ chối cung cấp dự báo tài chính cả năm.
"Hiện tại, thật khó để biết tình hình sẽ diễn ra như thế nào", Tổng giám đốc điều hành Delta, Ed Bastian cho biết. "Tôi hy vọng rằng sự tỉnh táo sẽ chiến thắng và chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn này trên mặt trận thương mại toàn cầu tương đối nhanh chóng".
Tìm kiếm câu trả lời
Các doanh nghiệp đang vất vả tìm kiếm một bức tranh rõ ràng hơn về chính sách thuế quan của Trump trong nhiều tuần qua. Họ vẫn không rõ liệu việc tạm dừng trong 90 ngày có làm giảm sự bất ổn hay không.
Jeff Jaisli, CEO của công ty xuất nhập khẩu Jagro có trụ sở tại New Jersey, cho biết trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của Trump, rằng bước ngoặt hôm thứ Tư đã khiến mọi thứ "thậm chí còn tệ hơn'' và khó hiểu hơn. Ông đang cố gắng tìm hiểu mức thuế nào áp dụng cho quốc gia nào.
"Chúng tôi đang dốc sức tìm thông tin và thủ tục chính xác cho các mục nhập khẩu mà chúng tôi đang xử lý NGAY BÂY GIỜ", ông cho biết. Ông nói họ đã không thể tìm thấy bất kỳ hướng dẫn nào trên các trang web của Nhà Trắng hoặc cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới, nơi thu thuế quan. Trước đó, Jaisli gọi thuế quan của Trump là "một quả lựu đạn ném vào phòng, gây ra hỗn loạn".
09/04 - Một người dùng trên mạng xã hội phản ứng với tin chính quyền Trump vừa tăng thuế quan đến Trung Quốc lên 125%: "Tôi mới vừa bước ra khỏi cuộc họp khẩn cấp của công ty để đối phó với mức thuế 104%! Cứ như thế này thì tốt hơn là ngồi xem TV liên tục để nắm thông tin."
10/04 - Nhà Trắng đã làm rõ rằng tổng mức thuế quan mới mà Hoa Kỳ áp đặt lên Trung Quốc thực tế đã lên tới 145%.
Leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Chính sách thuế quan của Trump vẫn đang lẩn quẩn trong cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngay cả trước khi Trump tăng thuế đối với Trung Quốc lên 125%, quốc gia tỷ dân này cũng đã đáp trả với mức thuế quan 84% cho hàng hoá Mỹ.
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngozi Okonjo-Iweala, cảnh báo rằng căng thẳng gia tăng có thể làm giảm 80% thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc, và “gây tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế toàn cầu”.
“Điều đặc biệt đáng lo ngại là hiểm hoạ phân mảnh tiềm tàng của thương mại toàn cầu do đường lối địa chính trị”, bà viết trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Tư. “Việc chia rẽ nền kinh tế toàn cầu thành hai khối có thể dẫn đến việc giảm GDP toàn cầu trong dài hạn gần 7%”.
Trích dẫn dự báo của WTO, bà cảnh báo những tác động tiêu cực có thể lan sang các nền kinh tế khác, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển. Bà kêu gọi các nước đảm bảo một hệ thống thương mại toàn cầu cởi mở và giải quyết các khác biệt thông qua hợp tác.
Trong khi đó, các công ty Hoa Kỳ đang phải vật lộn để tìm cách ứng phó với mức thuế khổng lồ đánh vào các sản phẩm Trung Quốc.
Jessica Bettencourt, CEO của Klem's, một hệ thống cửa hàng tại Spencer, Massachusetts, kinh doanh mọi thứ từ đồ dùng cho sân vườn đến đồ bảo hộ lao động và quà tặng, cho biết việc tăng thuế quan từ Trung Quốc đã khiến bà ngừng đặt hàng bất kỳ sản phẩm mới nào trong quý IV, như các sản phẩm phục vụ ngày lễ, quà tặng hoặc đồ chơi. Bà cũng đang xem xét lại bất kỳ đơn đặt hàng quần áo và giày dép mùa thu nào chưa được đặt.
“Điều tồi tệ nhất là sự không rõ ràng rất lớn”, Jason Goldberg, giám đốc chiến lược thương mại tại Publicis Groupe, một công ty tiếp thị và truyền thông toàn cầu, cho biết. “Không ai có thể thực hiện bất kỳ động thái nào. Mọi người đều cố gắng tiết kiệm càng nhiều tiền mặt càng tốt và hoãn lại mọi khoản chi phí không cần thiết. Rất nhiều người đang bị sa thải. Các đơn đặt hàng đang bị hủy bỏ. Các kế hoạch mở rộng đang bị hoãn lại”.