Khủng hoảng là cơ hội để doanh nghiệp Việt khẳng định mình

(DNTO) - Giữa cơn "bão" thuế 46% từ Mỹ, nếu bản lĩnh tận dụng nghịch cảnh, doanh nghiệp Việt không chỉ "vượt sóng" an toàn mà còn có thể vươn mình lên một vị thế mới. Con đường phía trước không còn là cuộc đua bằng giá rẻ, mà là sự khẳng định sức mạnh nội tại và khát vọng đổi mới sáng tạo không ngừng.

Các chuyên gia cùng đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia Toạ đàm trực tuyến "Mỹ áp thuế 46% - Góc nhìn chuyên gia".
Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ có hiệu lực từ 5/4. Ngoài mức thuế cơ bản trên, đối với nhóm 60 quốc gia mà Hoa Kỳ cho rằng có sự mất cân bằng thương mại, Chính phủ của Donald Trump áp mức thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia phải chịu mức thuế cao nhất, lên đến 46%. Mức áp thuế này tương đương 50% của mức rào cản thương mại 90% mà phía Hoa Kỳ đã tính toán, dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ trên tổng giá trị Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam.
Cần nhìn nhận rõ, đây không chỉ là câu chuyện thuế quan đơn thuần (với mức thuế hàng Mỹ vào Việt Nam chỉ khoảng 15%), mà còn là "tảng băng chìm" thao túng tiền tệ và hàng rào phi thuế quan - những chiêu thức mà Mỹ cáo buộc các quốc gia đang dùng để ngáng chân hàng hóa của họ. Quyết định "nghìn cân treo sợi tóc" này đang đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 của kinh tế Việt Nam trước một bài toán hóc búa chưa từng có.
Chính sách thuế đối ứng này không đơn thuần là một "đòn" thương mại, mà là một ván cờ định hình lại toàn bộ cấu trúc thương mại toàn cầu trong ít nhất 5 năm tới, với những lát cắt sâu sắc vào nền kinh tế. Riêng với Việt Nam, viễn cảnh thuế 46% trong kịch bản u ám nhất sẽ gây ra những tác động đa chiều. Nếu kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ vẫn giữ ở mức 120 tỷ USD/năm, thì gánh nặng thuế có thể lên tới con số "khủng" 55 tỷ USD, tương đương khoảng 12% GDP của năm 2024.
Nêu quan điểm tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'Mỹ áp thuế 46% - Góc nhìn chuyên gia', tối 5/4, do Viện Doanh Trí phối hợp với Câu lạc bộ CEO 1983 (Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội) tổ chức, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường tài chính & Bất động sản toàn cầu, cho biết Mỹ áp thuế 46% là động thái chưa từng có tiền lệ.
“Nếu không đạt được thỏa thuận trong thời gian tới, Việt Nam có thể đối diện với nguy cơ dư thừa hàng hóa và tăng trưởng chững lại”, TS Hiếu nhận định.
Trong bối cảnh thị trường tài chính tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, vị chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng khi cân nhắc rót vốn vào vàng, chứng khoán và bất động sản. Thay vì đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên cảm xúc hoặc xu hướng nhất thời, ưu tiên hàng đầu lúc này là xây dựng chiến lược phòng thủ vững chắc và đảm bảo khả năng thanh khoản cho danh mục đầu tư của mình.
Nhìn về phía tích cực, ông Hiếu cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam bắt nhịp chuyển mình. Việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hoá Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội để thay đổi mạnh mẽ hơn nhiều vấn đề của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần nhanh chóng có chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác các thị trường tiềm năng như châu Âu (EVFTA), châu Á, châu Phi và Mỹ Latin thông qua xúc tiến thương mại.
Về dài hạn, năng lực cạnh tranh quốc gia cần được nâng cao bằng cách đầu tư vào hạ tầng, nhân lực, R&D và đổi mới sáng tạo, đồng thời giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số ngành hàng nhất định.
"Trong lĩnh vực thương mại, chúng ta cần có những chiến lược dự phòng và tăng cường khả năng chống chịu. Ví dụ, nếu thị trường Mỹ gặp vấn đề, chúng ta sẽ có sẵn các thị trường thay thế tiềm năng và thông tin kịp thời cho doanh nghiệp để chủ động chuyển hướng kinh doanh. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản ứng phó khác nhau cho từng tình huống cụ thể ”, ông Hiếu nêu quan điểm.

CEO Lê Dung, Viện trưởng Viện Doanh Trí và Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983 nhấn mạnh: Các tổ chức như HanoiBA, Hanoisme, HNEW và các liên minh doanh nhân như CLB CEO 1983 sẽ tạo nền tảng phát triển bền vững.
Từ góc độ chính trị và đối ngoại, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng mức thuế 46% mà Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa Việt Nam là rất cao, đặt Việt Nam vào nhóm chịu tác động mạnh nhất bên cạnh Trung Quốc và một số quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng nói là thời gian áp dụng quá ngắn, khiến doanh nghiệp “không kịp trở tay”, thậm chí nhiều doanh nghiệp có nguy cơ “chết ngay”.
Ông Vinh nhìn nhận thuế quan đang được Mỹ sử dụng như một công cụ kinh tế, thương mại và chính trị tổng hợp, đặc biệt dưới thời ông Trump. “Cuộc chơi thuế quan là do ông Trump cầm trịch”, ông nói, và nhấn mạnh Việt Nam buộc phải chủ động thích ứng, tìm cách đàm phán và đưa ra “chào hàng” đủ sức nặng để Mỹ có thể xem xét lại quyết định.
"Việt Nam nên đưa ra gói đề xuất tổng thể, mang tính biểu tượng, có thể bao gồm việc sẵn sàng đưa thuế nhập khẩu hàng Mỹ về 0%, xử lý một số rào cản phi thuế quan và tăng cường mua hàng hóa mang tính biểu tượng từ Mỹ. Thông điệp gửi đi phải đủ mạnh, cụ thể và đo đếm được,” ông nhấn mạnh.
Còn theo TS. Nguyễn Tất Thịnh, Cố vấn Viện Doanh Trí, "đòn" thuế quan mà Tổng thống Trump vừa ký với 180 quốc gia là một diễn biến kinh tế - địa chính trị khó tránh khỏi. Việt Nam đang tích cực đàm phán trên tinh thần không đối kháng, ưu tiên lợi ích quốc gia, hướng tới hòa bình, cân bằng và hiệu quả. với mục tiêu giảm sâu chi phí đầu vào từ hàng nhập khẩu Mỹ (vốn có giá trị lớn và thiết yếu) và giữ vững thị trường xuất khẩu quan trọng này. Nếu đàm phán thành công, FDI, đầu tư nội địa và các chỉ số kinh tế sẽ có tín hiệu tích cực.
“Với các doanh nghiệp Việt Nam, cần có cách nhìn rất thực tế là nếu đưa hàng hóa nhập khẩu của Mỹ về mức thuế quan bằng 0, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ. Vì hàng hoá của Mỹ đa phần là công nghệ cao. Khi tỷ trọng công nghệ từ hàng hóa nhập khẩu nhiều sẽ giúp nền kinh tế trong nước cất cánh. Đó là thực tế đã được chứng minh với một số quốc gia trên thế giới”, TS Nguyễn Tất Thịnh nêu.
Đồng thời cũng chỉ rõ, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp cần giữ tâm thế bình tĩnh, không đối kháng mà phải chủ động đối ứng. Đây là cơ hội để nhìn lại nội lực, tái cấu trúc thị trường và sản phẩm.
TS. Nguyễn Tất Thịnh nhấn mạnh, dù Mỹ là thị trường quan trọng, nhưng không phải là thị trường duy nhất của kinh tế Việt Nam. Các thị trường lân cận trong khối ASEAN với gần 600 triệu dân, hay những mảnh đất màu mỡ như Nam Ấn, Nam Á, Pakistan... đều là những miếng bánh tiềm năng chờ được khai phá. Đặc biệt, Ấn Độ với 1,5 tỷ dân được đánh giá là một thị trường tiêu dùng dễ tính và đầy hứa hẹn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
“Và trong khó khăn, cần nhìn nhận lại thị trường nội địa với 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng lớn mạnh và phong phú. Các ngành hàng như dệt may, xe đạp, linh kiện, đồ gia dụng, hạt điều, cà phê... đều đang có sức hút lớn trong nước, mở ra một hướng đi đầy tiềm năng để giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu", TS Nguyễn Tất Thịnh đưa ra gợi ý.
Đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm phần lớn trong cơ cấu xuất khẩu, cần đa dạng hóa thị trường, ứng dụng công nghệ số và kiểm soát chi phí là những yếu tố sống còn. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Bởi đây được nhận định sẽ là yếu tố quyết định khả năng tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, CEO Lê Dung, Viện trưởng Viện Doanh Trí và Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983, nhấn mạnh sức mạnh của sự đoàn kết và hợp tác như một "phao cứu sinh" trong giai đoạn sóng gió này. Bà cho rằng, các tổ chức hội sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một nền tảng vững chắc để doanh nghiệp cùng nhau vượt qua thử thách và hướng tới sự phát triển bền vững.
"Trong thời gian tới, Viện Doanh Trí sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối tri thức và hợp tác, thông qua việc tổ chức các tọa đàm chuyên sâu, kết nối các chuyên gia hàng đầu, lan tỏa những thông tin giá trị và sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình thích ứng linh hoạt và vươn tới sự phát triển bền vững", CEO Lê Dung cho hay.
-
Tags: