Thoát thuế đối ứng, thép mạ Việt Nam đối mặt với thuế chống bán phá giá lên tới 88%

(DNTO) - Mức thuế chống bán phá giá đưa ra với nhiều doanh nghiệp cụ thể dao động từ 39,84 đến 59%, trong khi các đơn vị còn lại, không được xác định đơn lẻ, khả năng chịu mức cao nhất lên tới 88%.
Ngày 4/4, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết luận sơ bộ cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo đó, mức thuế đưa ra khá chênh lệch giữa nhiều quốc gia và doanh nghiệp. Như tại Brazil, một nhà máy sản xuất thép nhận được tỷ lệ sơ bộ lên tới 137,76%; trong khi một nhà máy khác lại chỉ có 31,53%. Hay cùng tại Thổ Nhĩ Kỳ, có nhà máy không phải chịu mức thuế nào, trong khi một số khác lại phải chịu 15%.

Ảnh minh họa
Với Việt Nam, kết quả sơ bộ cũng cho thấy có sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp. Cụ thể, nếu Tập đoàn Hoa Sen phải chịu mức thuế cao nhất lên tới 59%, thì Tôn Đông Á chỉ có 39,84%. Các doanh nghiệp như Tập đoàn Hoà Phát, Công ty Nam Kim, Công ty Pomina, Tấm thép miền Nam... lại chịu tỷ lệ sơ bộ là 49,42%, một con số tương đối cao.
Ngày 2/4, khi Tổng thống Donald Trump thông báo mức thuế đối ứng lên tới 46% với Việt Nam, nhóm ngành thép tưởng đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi sản phẩm thép không nằm trong danh mục thuế "có đi có lại" của ông Trump, nguyên nhân có thể bởi nhiều doanh nghiệp vốn đang phải chịu mức thuế trung bình tới 25%.

Mức thuế sơ bộ Mỹ áp cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn Steel Market Update
Cuộc điều tra chống bán phá giá lần này được khởi xướng từ tháng 9/2024, sau khi Bộ Thương mại Mỹ tiếp nhận đơn kiện từ các nhà sản xuất thép nội địa. Bộ này dự kiến sẽ đưa ra kết luận vào ngày 18/8 tới và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sau đó sẽ có quyết định cuối cùng vào ngày 2/10. Như vậy, từ nay đến thời điểm đó, nếu các cơ quan của Mỹ chứng minh được ngành thép trong nước không chịu thiệt hại bởi hàng nhập khẩu, các mức thuế trên sẽ bị hủy bỏ.
Từng có trường hợp thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam bị áp thuế chống lẩn tránh lên tới 456%. Lo ngại doanh nghiệp thép Việt Nam sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc khiến ngành thép trong nước luôn nằm trong vùng rủi ro cao trước những động thái thương mại từ phía Mỹ.
Mỹ có thể cáo buộc Việt Nam thành sân sau, tiêu thụ hàng Trung Quốc để né thuế, gây nên thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp. Và nếu điều đó xảy ra, các cuộc điều tra thương mại sẽ khiến làm mất lòng tin của Mỹ vào Việt Nam, ảnh hưởng đến mối quan hệ hai bên. Theo đó, việc minh bạch xuất xứ hàng hóa, tránh trở thành mục tiêu điều tra của nước này là điều quan trọng.
"Mỹ muốn một Việt Nam giúp họ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng cũng muốn một Việt Nam không quá mạnh để có thể gây sức ép ngược lại", một báo cáo của Công ty SHS cho biết.
Vậy việc minh bạch sẽ được thực hiện như thế nào cho hiệu quả? Nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đặt ra như kiểm soát chặt luồng hàng tạm nhập tái xuất, đặc biệt là thép, nhôm, điện tử từ Trung Quốc chuyển qua Việt Nam rồi xuất đi Mỹ.
Ngoài ra, còn kể đến các biện pháp như: tăng cường giám sát cấp chứng nhận xuất xứ(C/O), xử lý nghiêm doanh nghiệp tiếp tay gian lận thương mại; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử... SHS còn đề xuất, có thể mời Mỹ hợp tác giám sát như cách Malaysia và Thái Lan đã mời Bộ Thương mại Mỹ trực tiếp kiểm tra chuỗi cung ứng để chứng minh họ không sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc.
Vừa qua, Việt Nam đã áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm tôn mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành thép trong nước còn cần tính đến sự đa dạng thị trường xuất khẩu, gia tăng thị phần trong nước và chủ động thích nghi với tình hình mới.