Chuyên gia: Xuất khẩu thép, nhôm sẽ khó khăn ở nhiều thị trường khác, không riêng Mỹ
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2022/11/29/huyentrang-085122.jpg)
(DNTO) - Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ việc áp thuế cao đối với các mặt hàng xuất khẩu sẽ khiến các công ty thép quay trở lại thị trường nội địa và khiến các nước tăng cường bảo hộ với mặt hàng thép/nhôm.
![Thép là nhóm hàng thường xuyên bị Mỹ điều tra trong các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Ảnh: T.L.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/12/xuat-khau-thep-1106.jpeg)
Thép là nhóm hàng thường xuyên bị Mỹ điều tra trong các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Ảnh: T.L.
Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, chính sách thuế này đang tác động lớn đối với ngành thép và nhôm Việt Nam.
Dẫn số liệu từ Hải quan Mỹ, ông Hưng cho biết năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thép và các sản phẩm liên quan từ Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 983 triệu USD, tăng gần 159% so với năm trước. Đối với nhôm và sản phẩm nhôm, con số này đạt khoảng 479 triệu USD, tăng 9,5% so với năm 2023.
Hiện nay, thép và nhôm của Việt Nam vẫn đang chịu thuế nhập khẩu lần lượt 25% và 10% theo Mục 232 do Mỹ áp dụng từ năm 2018. Một số sản phẩm được loại trừ khỏi danh mục chịu thuế, tuy nhiên phần lớn vẫn nằm trong diện áp thuế.
Ngoài ra, thép là nhóm hàng thường xuyên bị Mỹ điều tra trong các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 34 vụ kiện liên quan đến thép, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện phòng vệ thương mại mà Mỹ áp dụng với Việt Nam.
Trong khi đó, sản phẩm nhôm bị điều tra trong 2 vụ việc. Hầu hết các vụ kiện này, ngoại trừ vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn (CORE), đều đã hoàn tất điều tra và đang trong giai đoạn áp thuế.
Tổng thống Donald Trump đã ban hành quyết định nâng thuế nhập khẩu nhôm lên 25%, đồng nhất với mức thuế của thép, đồng thời hủy bỏ các ngoại lệ về thuế quan và hạn ngạch đối với các quốc gia trước đây được miễn thuế. Điều này được thực hiện với lý do bảo đảm an ninh quốc gia và ngăn chặn việc miễn trừ làm giảm hiệu quả chính sách thuế.
Theo đó, các nước trước đây được miễn thuế, bao gồm Argentina, Úc, Brazil, Canada, EU, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Anh và Ukraine, sẽ chịu mức thuế 25% từ ngày 12/3/2025. Đối với Việt Nam, mức thuế 25% áp dụng từ năm 2018 vẫn sẽ tiếp tục được duy trì.
![Chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: T.L.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/12/san-xuat-thep-2-1107.jpeg)
Chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: T.L.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, mặc dù Mỹ áp thuế cao hơn đối với toàn bộ hàng nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có cơ hội xuất khẩu do ngành sản xuất thép và nhôm nội địa Mỹ chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm do chi phí thuế tăng lên.
Việc Mỹ áp thuế cao đối với thép và nhôm cũng có thể dẫn đến tình trạng lạm phát tăng, do đây là những nguyên liệu quan trọng trong nhiều ngành sản xuất. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn khi các nước không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, bao gồm Việt Nam. Điều này có thể gây áp lực cạnh tranh lớn hơn cho ngành thép nội địa.
Ngoài ra, việc các quốc gia xuất khẩu thép và nhôm gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Mỹ có thể dẫn đến làn sóng bảo hộ thương mại ở nhiều nước khác, tương tự như năm 2018 khi Mỹ áp thuế Mục 232 và EU, Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu.
“Điều này có thể khiến doanh nghiệp thép Việt Nam gặp thêm thách thức tại các thị trường ngoài Mỹ”, ông Hưng nhận định.
Trước tình hình này, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu tại các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nguồn gốc xuất xứ của Mỹ và sẵn sàng hợp tác trong quá trình điều tra phòng vệ thương mại để đảm bảo quyền lợi.
Doanh nghiệp cũng nên phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại và các cơ quan đại diện ngoại giao để cập nhật tình hình và có phương án ứng phó kịp thời trước những thay đổi trong chính sách thương mại quốc tế