Doanh nghiệp sản xuất thép trong ‘thế gọng kìm’
(DNTO) - Số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng cùng áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa đang tạo ra “thế gọng kìm” đối với các doanh nghiệp thép trong nước.
Đối tượng luôn bị chú ý của điều tra phòng vệ thương mại
Chia sẻ trong tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thép trong thế gọng kìm” hôm 8/7, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết sắt thép là sản phẩm quan trọng trên toàn cầu nên luôn là đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ ngày càng gia tăng trong bối cảnh cạnh tranh sẽ càng phức tạp, xu thế bảo hộ ngày càng mở rộng.
Nếu nhìn vào lịch sử sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới, thép là một trong những nhóm sản phẩm được áp dụng biện pháp trên sớm nhất, Hoa Kỳ từ những năm 30-40 của thế kỷ trước.
Trong khuôn khổ WTO, đây cũng là mặt hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất. Trong gần 30 năm năm, từ 1995-2023 có tổng cộng 2.123 vụ kiện chống bán phá giá, chiếm gần 32% tổng số vụ kiện phòng vệ thương mại trong tổng số nước thành viên WTO. Nếu chỉ xét trong 5 năm từ 2019-2023, tổng số vụ việc chống bán phá giá với thép chiếm gần 49%.
“Thách thức đối với ngành thép từ góc độ thương mại quốc tế và đặc biệt là phòng vệ thương mại là thường trực, hiện tại có thể coi là phức tạp hơn bao giờ hết trong lịch sử gần 30 năm của WTO”, bà Trang nói.
Tại Việt Nam, ông Phạm Công Thảo, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết ngành thép trong nước đã phải chịu 73 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ các nước. Ngược lại, chúng ta cũng triển khai điều tra 10 vụ việc với thép nhập khẩu với một số sản phẩm như phôi thép và thép xây dựng, tôn mạ mầu, thép tôn mạ….
Bên cạnh vấn đề về thương mại, đại diện VSA cũng cho biết ngành thép đang gặp nhiều thách thức về mặt thị trường. Nhu cầu hiện tại của thị trường nội địa khá yếu. Đại dịch Covid-19 cùng với sự đi xuống của thị trường bất động sản – thị trường tiêu thụ thép rất lớn trong những năm gần đây đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiêu thụ thép. Năm 2023, nhu cầu thép xuống đến mức đáy. Đầu năm nay đã có tín hiệu hồi phục nhưng chưa thể trở lại mức trước đây năm 2022.
Trong bối cảnh đó, thép nội địa chịu áp lực rất lớn từ thép nhập khẩu. Trong đó có những sản phẩm chúng ta chưa đáp ứng được hoàn toàn, nhưng cũng có những sản phẩm chúng ta đã đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Thép Việt Nam xuất khẩu hơn 8 triệu tấn các thành phần trong năm ngoái, đứng thứ 18 thế giới về xuất khẩu. Nhưng các nước phát triển họ vận dụng vấn đề giảm phát thải để bảo vệ chính thị trường thép nội địa của họ, bằng việc đánh thuế phát thải hàng nhập khẩu. Nếu thép xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo vấn đề giảm phát thải sẽ phải chịu thuế cao hơn, điều này ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu thép. Trong khi đó, muốn chuyển đổi xanh, ngành thép phải có chuyển đổi rất lớn về công nghệ, gia tăng sử dụng nhiên liệu xanh như năng lượng tái tạo, hydro.
“Đây là câu chuyện rất dài và cần nhiều nỗ lực. Vì vậy áp lực chuyển đổi rất lớn và áp lực tập trung vốn cũng rất lớn để chuyển đổi công nghệ và năng lượng”, ông Thảo nói.
Cần những góc nhìn khác từ chính sách
Theo lãnh đạo VSA, hiện Bộ Công thương đã xây dựng Dự thảo Đề cương chiến lược phát triển các ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vị này mong muốn Bộ Công thương đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược này.
“Chiến lược này sẽ đảm bảo cân đối cung cầu tốt hơn, hạn chế tình trạng cung vượt cầu. Vì trong suốt 30 năm phát triển gần đây, có chu kì khi chúng ta tập trung đầu tư khiến nguồn cung vượt lên, phải mất một quãng thời gian dài để hấp thụ. Nếu có chiến lược, kế hoạch tốt hơn sẽ giảm thiểu việc này”, ông Thảo đề nghị.
Bên cạnh triển khai nhanh và quyết liệt chiến lược phát triển ngành thép, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng ở góc độ rộng hơn là phải có chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển ngành thép của Việt Nam. Ví dụ trong chuyển đổi xanh, cần có hệ thống chính sách hỗ trợ vì doanh nghiệp dù ý thức được việc này và thực hiện chuyển đổi xanh nhưng có những vấn đề mà một ngành, một lĩnh vực không thể chủ động chuyển đổi được, như chuyển đổi năng lượng.
Trong nền kinh tế tuần hoàn, ông Hiếu cũng cho rằng nên định nghĩa lại khái niệm phế liệu vì rất nhiều loại phế liệu hiện nay có thể trở thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. “Ví dụ như giấy, thép phế liệu… phải có nhìn nhận khác để thay đổi chính sách”, ông Hiếu nói.
Ở góc độ phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý, hiện nay sản phẩm thép Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài, đối với sản phẩm sắt thép của nước khác. Sắt thép của Việt Nam bị vạ lây do bị coi là đang lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước khác. Các doanh nghiệp thép trong nước phải rất lưu ý, tránh tình trạng thúc đẩy cho hiện tượng gian lận phòng vệ thương mại này.