Doanh nghiệp ngành thép vượt khó trong sóng gió
(DNTO) - Tính đến hôm nay, 18/4, nhiều công ty thép bắt đầu hé lộ dần kết quả kinh doanh quý 1. Theo đó, triển vọng ngành thép vẫn chưa thực sự "sáng" khi ghi nhận giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các công ty ngành thép vừa công bố báo cáo tài chính, mức giảm sâu nhất so với quý 1 năm 2022 đang thuộc về Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (mã chứng khoán: TIS).
Trong 3 tháng đầu năm, TISCO ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.445 tỷ đồng và lợi nhuận gộp hơn 55 tỷ đồng, giảm tương ứng 34% và 60% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lỗ hơn 19 tỷ đồng trong quý 1/2023, giảm 166% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý thứ ba lỗ liên tiếp.
Mức lỗ của TISCO đến từ việc sụt giảm mạnh doanh thu, chi phí tài chính tăng cao, đặc biệt chi phí lãi vay tăng từ hơn 27 tỷ đồng lên hơn 41 tỷ đồng. Điểm sáng, doanh nghiệp ghi nhận giảm mạnh ở mục chi phí quản lý doanh nghiệp từ hơn 60 tỷ đồng của quý 1/2022 xuống còn hơn 21 tỷ đồng trong quý 1 năm nay, tương đương với giảm tới 65%.
Theo lý giải của doanh nghiệp, kết quả trên đến từ việc thị trường tiêu thụ khó khăn khiến sản lượng và giá bán giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Chênh lệch tỷ giá, chi phí lãi vay tăng cũng là một trong những nguyên nhân kéo lùi lợi nhuận doanh nghiệp. Hiện cổ phiếu TIS mới chỉ giao dịch ở UpCom và đang ở diện bị cảnh báo.
Không lỗ như TISCO nhưng một loạt công ty thép khác có kết quả kinh doanh sụt giảm đáng kể. Công ty cổ phần Gang Thép Cao Bằng (mã: CBI) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 1 chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng, trong khi con số của cùng kỳ năm ngoái là 25 tỷ đồng, tức giảm 48% lợi nhuận.
Tại CBI, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết chế khá tốt khi giảm hơn 5 tỷ đồng so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, chi phí tài chính vẫn tăng gần 3 tỷ đồng trong kỳ. Ngoài ra, theo CBI, giá phôi thép giảm 5% trong quý cũng là nguyên nhân chính khiến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp giảm 50 tỷ đồng, chỉ còn 769 tỷ đồng, một trong những nguyên nhân khiến mức lợi nhuận của doanh nghiệp suy giảm.
Là một trong những đơn vị công bố kết quả kinh doanh sớm, Thép VICASA - VNSTEEL (mã chứng khoán: VCA) ghi nhận lãi ròng chỉ đạt 6,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt hơn 11 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 40%. Theo công ty, quý 1 vừa qua công ty đã nỗ lực vượt khó khăn, khắc phục được khoản lỗ luỹ kế tính 2,4 tỷ đồng từ ngày 31/12/2022 chuyển sang, và đây chính là động lực để công ty hoàn thành tốt kế hoạch năm nay.
Công ty Cổ phần Thép Thủ Đức - VNSTEEL (mã chứng khoán: TDS) cũng ghi nhận mức lỗ tới 45% so với cùng kỳ, từ hơn 8 tỷ đồng chỉ còn 4,3 tỷ đồng. Dù doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tuy nhiên những biến động xấu của thị trường cũng khiến doanh thu bị sụt giảm mạnh.
Có thể thấy, khó khăn của ngành thép chủ yếu đến từ việc nhu cầu thị trường giảm mạnh, trong khi đó chi phí đầu vào lại tăng cao khi giá nguyên liệu không ngừng tăng. Hiện tại, nhiều ông lớn trong ngành vẫn chưa hé lộ kết quả kinh doanh, tuy nhiên, triển vọng không mấy tích cực. VNDirect từng nhận định, quý 1 dự phóng của Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG) sẽ có lợi nhuận ròng ở mức âm, trước khi tăng trưởng tích cực trở lại từ quý 3.
Hiện tại, các doanh nghiệp ngành thép kỳ vọng: sản lượng tiêu thụ thép tăng trở lại nhờ các chính sách đẩy mạnh đầu tư công; giá nguyên liệu đầu vào giảm; cải thiện chi phí tài chính khi lỗ tỷ giá giảm mạnh... giúp hỗ trợ các doanh nghiệp tốt hơn, kỳ vọng bước ngoặt thay đổi sẽ bắt đầu từ quý 3 năm nay.