Thép Nam Kim lao đao sau kiểm toán, bức tranh xám của ngành thép đã khép lại?
(DNTO) - Sau kiểm toán, lợi nhuận NKG sụt giảm, cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ. Liệu đây đã là vết tích cuối của một giai đoạn không mấy sáng sủa của doanh nghiệp này?
Quý 3 và quý 4/2022 có thể xem là khoảng thời gian đen tối của ngành thép. Những "ông lớn" như Tập đoàn Hoà Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG) hay Công ty thép Nam Kim (NKG) vừa trải qua một giai đoạn hoàng kim năm 2020, 2021 với lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc thì bước sang hai quý này đều bị rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ.
Cho cả năm 2022, khi HPG và HSG vẫn có thể duy trì được lợi nhuận dương khá thấp so với cùng kỳ năm trước đó thì NKG lại có một kết cục không mấy thuận lợi.
Sau kiểm toán báo cáo tài chính năm, khoản lỗ ròng của Nam Kim đã tăng lên gần 2 lần, từ mức lỗ gần 67 tỷ đồng của báo cáo tài chính tự lập lên mức hơn 124 tỷ đồng. Cùng đó, ngày 30/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) chính thức đưa NKG vào diện không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Năm 2022 là năm xấu nhất của NKG khi lần đầu kể từ hơn 10 năm nay doanh nghiệp rơi vào cảnh làm ăn bết bát.
Giải trình nguyên nhân giảm mạnh sau kiểm toán, phía công ty đưa lý do, khoản điều chỉnh giá vốn của doanh nghiệp đã bị điều chỉnh tăng thêm gần 61 tỷ đồng, lên mức 21.589 ngàn tỷ đồng, tương ứng mức tăng 0,28%. Điều này đến từ việc thực hiện trích lập dự phòng hàng tồn kho tại công ty con Ống thép Nam Kim và doanh nghiệp đã không thực hiện loại trừ lỗ chưa thực hiện năm nay đối với công ty này.
Cổ phiếu NKG hôm nay, ngày cuối cùng của tháng 3, đã mất 1,9%, chỉ còn 15.400 đồng/cp. Dù trong 3 tháng vừa qua cổ phiếu này đã tăng tới hơn 25%, tuy nhiên tính từ cuối tháng 3 năm ngoái đến nay, thị giá NKG đã mất tới gần 60% giá trị. Dù vậy, trong hôm nay, một khối lượng lớn lên tới hơn 20 triệu đơn vị NKG được khớp lệnh.
Nhu cầu thị trường xuất khẩu cũng như trong nước giảm nhanh trong khi giá thép đi xuống khiến nhiều công ty thép trong đó có NKG vừa khó khăn cho đầu ra vừa phải tăng trích lập dự phòng hàng tồn kho, cho nên việc rơi vào cảnh thua lỗ là điều không khó hiểu.
Bước sang năm 2023, khó khăn với NKG có thể đã được giải toả một phần kỳ vọng ở việc đẩy mạnh đầu tư công, nhu cầu thế giới dần hồi phục giúp thúc đẩy xuất khẩu.
Phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 của Hoà Phát, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận định, "Giai đoạn khốc liệt nhất ngành thép đã qua", tuy nhiên theo ông, tương lai ngành này như thế nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Đó là nguyên nhân mà doanh nghiệp này đang hướng tới sản xuất thép chất lượng cao như thép chế tạo cho ngành đóng tàu, ô tô...
Trong khi đó, trong báo cáo về ngành thép, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, lợi nhuận trong ngắn hạn, cụ thể là lợi nhuận hàng quý của các doanh nghiệp thép cũng sẽ thất thường và phân hóa mạnh, ngoài ra còn nằm ở sự điều chỉnh linh động trong chính sách tồn kho của từng doanh nghiệp. Và chính điều này khiến việc nắm bắt giá vốn cũng như dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép sẽ trở nên khó khăn hơn cho các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu thép.