Nhiều dự báo lạc quan về ngành thép
(DNTO) - Bức tranh doanh nghiệp thép nửa cuối năm nay được nhận định khá sáng sủa khi nhiều chuyên gia cho biết, ngành này đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Lợi nhuận ròng có thể tăng trên 1.000%
Dù mới đi qua được nửa năm, ngay cả khi kết quả kinh doanh quý 2 của nhiều doanh nghiệp thép vẫn chưa được công bố, tuy nhiên sự nhận định của các chuyên gia dành cho ngành thép là khá tích cực.
Theo chứng khoán MBS trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2024, họ dự định về mức tăng trưởng lợi nhuận ròng trung bình lên tới khoảng 40% đối với các doanh nghiệp thép trong năm nay.
Cụ thể, Tập đoàn Hoà Phát được dự báo sẽ tăng trưởng 18% doanh thu so với năm liền trước đạt khoảng hơn 140 ngàn tỷ đồng, sang năm 2025 sẽ là hơn 168 ngàn tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận ròng năm nay có thể tăng gần gấp đôi so với 2023 từ mức trên 6 ngàn tỷ đồng lên trên 13 ngàn tỷ đồng và đến năm 2025, con số này còn đạt trên 17 ngàn tỷ đồng.
Với Thép Nam Kim, đơn vị này dự báo doanh thu tăng 20%, mức lợi nhuận ròng tăng trên 286% tương đương đạt 454 tỷ đồng cho cả năm 2023. Sang năm 2025, mức lợi nhuận ròng được dự báo sẽ tiếp tục vượt trội lên 956 tỷ đồng.
Hay Tập đoàn Hoa Sen, mức lợi nhuận ròng năm 2024 được cho sẽ tăng tới 1.230% từ mức 40 tỷ đồng nhảy vọt lên 552 tỷ đồng, năm 2025 sẽ đạt trên 800 tỷ đồng.
Dự báo trên trên cơ sở của các phân tích: thứ nhất, tín hiệu tích cực của ngành bất động sản có thể giúp doanh thu các công ty thép phục hồi tới 25%, trong đó dự báo sản lượng và giá bán cũng tăng trưởng lần lượt 9% và 8%. Biên lợi nhuận gộp cũng được cho sẽ tăng lên 13% nhờ giá bán tăng 8% và giá nguyên liệu giảm khoảng 4% so với năm ngoái do nguồn cung đã ổn định.
Ngoài ra, tỷ lệ dự phòng các doanh nghiệp được cho sẽ giảm trong bối cảnh giá đầu ra tăng cùng chi phí tài chính cũng không còn căng thẳng, khả năng giảm khoảng 30% khi áp lực tỷ giá và lãi vay hạ nhiệt.
Sự bật tăng của nhu cầu thị trường nội địa khi có sự tăng tốc của đầu tư công, sự cải thiện của nguồn cung căn hộ; giá nguyên vật liệu giảm; cơ hội ở các thị trường xuất khẩu khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng cùng thuế chống bán phá giá đang là những yếu tố quan trọng ủng hộ cho ngành thép.
Cổ phiếu thép nào sáng cửa?
Triển vọng của các cổ phiếu ngành thép là tương đối tích cực. Các chuyên gia dành nhiều khuyến nghị đầu tư khả quan cho hai cổ phiếu đầu ngành là HPG và NKG.
Cổ phiếu HPG dự kiến tăng giá tốt nhờ tăng trưởng ở cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, giá thép tăng trong khi giá than, quặng nguyên liệu giảm. Đặc biệt, Khu phức hợp Dung Quất 2 dự báo đi vào hoạt động từ năm 2025 sẽ đóng góp lớn cho triển vọng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.
Với NKG, biên lợi nhuận gộp sẽ tăng lần lượt 7,5% và 8,7% nhờ giá bán tăng mạnh hơn giá nguyên liệu HRC. Hiện định giá P/B dưới mức trung bình 2 chu kỳ trong giai đoạn tăng trưởng là yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý.
Trong chiến lược đầu tư hai quý cuối năm, MBS cho biết, họ tập trung vào các cổ phiếu có vốn hoá lớn. Theo quan điểm của họ, "những cổ phiếu có vốn hoá lớn có vẻ hấp dẫn xét về tiềm năng tăng trưởng thu nhập trong giai đoạn 2024-2025 so với các công ty cùng ngành".
Các cổ phiếu hàng đầu được MBS khuyến nghị bao gồm: VPB, ACB, BCM, POW, HPG, MWG, FPT, PVS, DCM và DXG.