Nhìn về 'bài toán' tăng vốn của các ngân hàng

(DNTO) - Phát hành trái phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành ESOP... là cách mà nhiều ngân hàng hiện nay đang tiến hành để tăng vốn điều lệ.
Sóng "tăng vốn"
Trong bối cảnh phải đối mặt với rủi ro nợ xấu kéo theo khoản trích lập dự phòng tăng cao, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) đứng trước áp lực giảm... việc tăng vốn điều lệ để làm dày "bộ đệm" nguồn lực là điều được các nhà băng quan tâm ở thời điểm hiện nay.
Tại đại hội cổ đông năm nay, khá nhiều nhà băng đưa ra phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu, hình thức thưởng hay trả cổ tức với khối lượng lớn. Tính đến hôm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận phương án này của nhiều ngân hàng.

Ảnh minh hoạ
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thông tin được NHNN đồng ý cho tăng vốn điều lệ thêm 6.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%, từ nguồn lợi nhuận sau khi trích các quỹ theo luật định. Theo đó, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành MBS dự kiến sẽ là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.
NHNN cũng đã chấp thuận cho Ngân hàng Nam Á tăng vốn điều lệ từ 10.580 tỷ đồng lên 13.725 tỷ đồng thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 2.654 tỷ đồng. Ngoài ra, Nam Á còn phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP, giúp vốn điều lệ tăng thêm 500 tỷ đồng.
Ngân hàng ACB cũng cho biết đã thực hiện phát hành hơn 582 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 15%. Theo đó vốn điều lệ của ACB từ mức trên 38,8 ngàn tỷ đồng sẽ tăng lên 44,6 ngàn tỷ đồng.
Ngoài trả cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn, phát hành trái phiếu cũng là phương thức được nhiều nhà băng sử dụng. Báo cáo của FiinRatings cho biết, tháng 5, các tổ chức tín dụng dẫn đầu trên thị trường sơ cấp khi ghi nhận có 19 đợt phát hành, trị giá 16,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 77% so với tháng trước. BIDV và TCB sở hữu lượng giá trị phát hành lớn nhất lần lượt 5,3 nghìn tỷ đồng và 3 nghìn tỷ đồng.
Trong tháng 6, tính đến 21/6, theo số liệu của VBMA, một số nhà băng ghi nhận lượng phát hành cao như Ngân hàng Á châu (ACB) lên tới 10 ngàn tỷ đồng; TCB là 5 ngàn tỷ đồng... Mức lãi suất giao động từ 4,5 - 5,5%.
Tác động tới các ngân hàng như thế nào?
Trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư tỏ khá hồ hởi trước thông tin trên, tăng thêm kỳ vọng của họ dành cho nhóm cổ phiếu "vua" bởi khi tăng thêm khối lượng cổ phiếu lưu hành, thị giá cũng thấp hơn giúp họ có cơ hội tham gia với nhóm cổ phiếu này. Trong khi đó, nhà băng cũng có cơ hội thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời củng cố niềm tin, sự gắn bó với các cổ đông hiện hữu.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi cổ phiếu ngành ngân hàng đang giao dịch không mấy tích cực, lượng lớn cổ phiếu được "bơm" ra ít nhiều cũng sẽ gây áp lực lên thị trường nói chung và với chính cổ phiếu nói riêng. Thậm chí, điều này cũng đồng nghĩa với thách thức: mỗi cổ phiếu sẽ cần dòng tiền lớn hơn cho mỗi nhịp sóng đi lên và điều này sẽ gây khó cho thị giá cổ phiếu.
Với các nhà băng, việc sử dụng mức lợi nhuận sau thuế riêng lẻ sau khi trích lập các quỹ tính đến cuối năm 2023 để chia cổ tức tăng vốn, về cơ bản cũng chưa tác động nhiều đến năng lực tài chính của họ trong ngắn hạ.
Dù vậy, trong môi trường lãi suất thấp, việc tăng vốn một mặt giúp nhà băng củng cố tỷ lệ an toàn vốn, vốn trung và dài hạn, đồng thời chuẩn bị cho mục tiêu tăng trưởng 14-15% cả năm của NHNN. Mức vốn điều lệ lớn cũng cho phép các ngân hàng tăng quy mô tài sản, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh. Do đó, đây là hoạt động là hết sức cần thiết với quá trình phát triển của với các ngân hàng.
Hiện đã kết thúc quý 2, lợi nhuận của các nhà băng được dự báo kém tích cực do NIM giảm trước áp lực giảm của lãi suấy cho vay, thu nhập ngoài lãi chưa hồi phục như trước đây, chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng. MBS đáng giá lợi nhuận các ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 12% so với cùng kỳ, trong khi quý 1 là 14%, đồng thời sẽ có sự phân hoá rõ nét.
"Nhìn chung lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao, mức tăng nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPB, VPB, HDB; một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm do lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm ngoái ở mức cao như STB, BID", MBS nhận định.