Diễn biến trái chiều của cổ phiếu họ Vin

(DNTO) - VIC của Tập đoàn Vingroup và VPL của Công ty cổ phần Vinpearl trái chiều khi một cổ phiếu tăng trần đóng góp lớn nhất trong việc giữ gìn chỉ số, cổ phiếu còn lại rơi vào điều chỉnh giảm trước áp lực chốt lời.
Từ vị trí tâm điểm trong tuần qua khi đóng góp hơn 13 điểm cho VN-Index, mức cao nhất toàn sàn, phiên sáng nay (ngày 19/5), VPL bắt đầu rơi vào điều chỉnh giảm. Điều này cho thấy nhà đầu tư đã bắt đầu xu hướng chốt lời với VPL sau khi đã có mức lợi nhuận đáng kể.
Kết phiên sáng nay, khối lượng lượng giao dịch của VPL tương đối thấp, có khoảng gần 200 ngàn cổ phiếu được khớp lệnh, khi mà thị giá đang ở mức cao 99.200 đồng/cp. Dù khoảng 1,8% trong phiên sáng, VPL vẫn đứng thứ 7 trong TOP 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, vượt mặt FPT, MBB và HPG.
Ở chiều ngược lại, VIC của Vingroup không ngừng tăng giá như vũ bão. Với 8 triệu cổ phiếu khớp lệnh sáng nay, VIC tăng kịch trần 7%. Trong một tháng qua, VIC đã tăng gần 30% và tính riêng ba tháng gần nhất, cổ phiếu này đã phục hồi trên 110%.
Dù không nổi bật như VIC nhưng VHM của Công ty cổ phần Vinhomes cũng ghi nhận mức tăng 3,2% trong phiên giữ mức 59.900 đồng/cp. Cổ phiếu này ghi nhận mức tăng khoảng 8% trong một tháng qua dù trong tuần qua cũng mất nhẹ khoảng 3,8%.
Đóng phiên sáng, VIC và VHM trở thành hai cổ phiếu dẫn đầu có đóng góp nhiều nhất trong việc nâng đỡ chỉ số, giúp VN-Index lấy lại đà tăng sau khi giảm sâu ngay đầu phiên sáng, trái ngược với VPL đang ở vị trí cuối trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chung của thị trường.
Như vậy, tính đến hiện tại nhóm cổ phiếu họ Vin vẫn đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định, dẫn dắt diễn biến chung của thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng không ngừng trong những ngày qua trở thành người giàu có nhất trên sàn chứng khoán.
Thị trường còn điều chỉnh?
Sự đóng góp lớn của cổ phiếu họ Vin với thị trường đang cho thấy sự thiếu chắc chắn của thị trường dù tính đến hiện tại VN-Index đã tăng mạnh vượt ngưỡng 1.300 điểm. Nhiều công ty chứng khoán đã đặt vấn đề về khả năng điều chỉnh của thị trường trong tuần này.
Mạch chi phối của thị trường có phần bất lợi khi Mỹ sẽ ấn định mức thuế quan với các nước trong 2-3 tuần tới, trong đó có Việt Nam; Moody’s hạ cấp tín dụng Mỹ có thể khiến thị trường này biến động; mặt khác VN-Index đã tăng quá mạnh trong hai tuần qua, phục hồi 22% kể từ đáy. Mặt tích cực là một loạt các nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 66 về hoàn thiện thể chế pháp luật... đang cho thấy tư duy chiến lược và sự đột phá của Chính phủ.
Theo MBS, hoạt động chốt lời có thể mạnh hơn trong tuần này, trong kịch bản cơ sở, thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh để kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.265-1.270 điểm, kịch bản thận trọng khi chứng khoán toàn cầu phản ứng tiêu cực sau thông tin từ Moody’s, Vn-Index có thể lùi về vùng 1.240 điểm.
Theo Yuata, các chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng, thị trường đang bước vào vùng lạc quan quá mức và điều này cho thấy rủi ro điều chỉnh tăng dần và cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn thu hẹp dần. "Thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch đầu tuần và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách lại vùng 1.250– 1.280 điểm", Yuanta nhấn mạnh. Họ dự báo, trong trường hợp thị trường điều chỉnh, khả năng sẽ quay trở lại giai đoạn tích lũy ngắn hạn và tình trạng phân hóa với thanh khoản thấp có thể diễn ra.
Với nhóm cổ phiếu họ Vin, nhiều thông tin tích cực đang hỗ trợ nhóm cổ phiếu này đến từ kết quả kinh doanh tốt trong quý 1 và thông tin trúng thầu loạt dự án lớn đã tạo tâm lý giao dịch hưng phấn cho nhà đầu tư.