Thế trận chênh lệch trên thị trường, vì sao cổ phiếu họ Vin áp đảo?

(DNTO) - Dù thị trường tăng tới hơn 18 điểm, nhưng đóng góp lớn nhất lại chủ yếu thuộc cổ phiếu họ Vin với hai tên tuổi nổi bật là VIC và VHM.
Phiên giao dịch ngày 20/5 ghi nhận sự bật tăng đột biến của thị trường khi VN-Index lấy lại hơn 18 điểm, chính thức vượt xa mốc 1.300 điểm. Thanh khoản thị trường không nhiều chỉ với hơn 24 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn, lượng cổ phiếu khớp lệnh chỉ hơn 1 tỷ đơn vị.
Tuy nhiên nhóm cổ phiếu họ Vin đóng vai trò quan trọng nhất trong việc kéo chỉ số, thúc đẩy đà tăng của VN-Index. Hiện tại VIC và VHM là hai mã có vốn hóa lớn thứ 2 và thứ 3 trên thị trường chứng khoán, chỉ sau VCB. Cả hai đều tăng kịch trần gần 7%. Chiều dư mua chồng chất hàng triệu đơn vị, trong khi chiều dư bán ít ỏi cho thấy sự khan hiếm của cả hai mã khi lực cầu đang quá lớn.
Ngoài hai cái tên xuất sắc trên còn có thể kể đến sự đóng góp của TCB với mức tăng gần 5%.
Như vậy, thị trường tỏ rõ thế trận chênh lệch khi chỉ cần một vài cổ phiếu đã có thể kéo thị trường đi lên mạnh mẽ. Sự phân hóa rõ nét này cũng khiến không ít nhà đầu tư ngậm ngùi khi chứng kiến thị trường tăng nhưng danh mục đầu tư của mình vẫn chưa thể có lãi. Tuy nhiên, với các cổ đông của nhóm cổ phiếu họ Vin, niềm vui của họ đã kéo dài nhiều ngày nay và có lẽ còn tiếp diễn.
Giải mã đà tăng của VIC và VHM
Để có ngày hôm nay có lẽ không thể không kể đến thời gian dài bộ đôi chỉ lình xình đi ngang sau khi rơi sâu từ mức đỉnh. Giai đoạn năm 2023, 2024, VIC và VHM chỉ loanh quanh ở mốc 40 ngàn đồng mỗi đơn vị, trong khi trước đó, VHM từng đạt khoảng 90 ngàn mỗi cổ phiếu, VIC là trên 120 ngàn. Sự nguội lạnh của thị trường bất động sản đã làm cả hai mất sức hấp dẫn, theo tình trạng chung của nhóm cổ phiếu bất động sản trên thị trường.
Giải thích về sức tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu này, ông Nguyễn Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn đầu tư ICWEALTH cho biết, VHM và VIC đang gặp "thiên thời địa lợi".
Trước hết, cả hai đã có thời gian bị "bỏ mặc" trên thị trường. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư hay nhà đầu tư lớn lại đánh giá cao các doanh nghiệp này do đó họ đã đổ xô mua. Điều này khiến tỷ trọng nắm giữ nhóm cổ phiếu họ Vin ở các tổ chức lớn rất lớn, khiến khó dòng tiền nào có thể đổi chiều.
"Ngoài ra cần xét về yếu tố thời điểm, đó là một doanh nghiệp tốt nhưng cổ phiếu cần rơi đúng thời điểm, ví như gieo một hạt đậu gặp ngay môi trường thuận lợi sẽ nhanh chóng sinh sôi. Đối với cổ phiếu của Vingroup ở thời điểm hiện tại theo đánh giá của tôi cũng như vậy, tức đang gặp "thiên thời địa lợi", một cái chu kỳ mới", ông Vũ phân tích.
Ngoài ra, mức chiết khấu của các cổ phiếu so với mức đỉnh đã thấp hơn rất nhiều. Vingroup lại có hai năm tăng trưởng kết quả kinh doanh mạnh mẽ, năm 2024, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn là hơn 5.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2023 và 2022, trong khi năm 2021 còn âm lãi.
Theo ông Vũ, những điều này đã tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững cho cổ phiếu của doanh nghiệp.
Hiện tại vùng giá của VIC và VHM đã khá cao, dù vậy lượng cổ phiếu bán ra tương đối ít. Và điều này càng tạo tâm lý FOMO mua đuổi của nhà đầu tư làm nặng thêm tình trạng khan hiếm hàng trên thị trường chứng khoán. Theo đó, sự bình tĩnh cẩn trọng trong các quyết định đầu tư được các chuyên gia chứng khoán khuyến nghị.
Kết phiên giao dịch hôm nay, VN-Index chốt tại mốc 1.315 điểm. VN-Index đang quay lại hành trình kiểm định đỉnh cũ.