Nghị quyết 68 mở lối, hai 'ông lớn' cùng xin làm đường sắt tốc độ cao

(DNTO) - Sau VinSpeed, Thaco cũng gửi đề xuất xin làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo hình thức đầu tư trực tiếp. "Cuộc đua" tham gia dự án ngày càng nóng hơn.
Thông tin Tập đoàn Trường Hải (Thaco) xin được làm dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người, bởi trước đó, vào giữa tháng 5, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed, công ty con của Vingroup, cũng đã gửi đề xuất tham gia dự án.
Về thời gian thực hiện dự án, VinSpeed đề xuất 5 năm, trong khi đó Thaco là 7 năm. Cả Thaco và VinSpeed đều sẽ góp 20% tổng số vốn, tương đương hơn 12 tỷ USD. Với số tiền còn lại, Thaco sẽ vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước nhưng kiến nghị Chính phủ bảo lãnh, hỗ trợ lãi vay trong 30 năm; trong khi đó, VinSpeed cũng kiến nghị được vay từ nguồn vốn Nhà nước với lãi suất 0% và thời gian hoàn trả trong vòng 35 năm.

Ảnh minh họa
Thaco cho biết sẽ hợp tác chuyển giao công nghệ từ các đối tác tại châu Âu và châu Á đồng thời đào tạo nhân lực để tiến tới làm chủ kỹ thuật. Trong khi đó, VinSpeed cho biết, sẽ xúc tiến hợp tác với các đối tác công nghệ đến từ các quốc gia có ngành đường sắt phát triển như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản để chuyển giao công nghệ sản xuất đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu và điều khiển.
Về quỹ đất, Thaco muốn được ưu tiên giao quỹ đất để phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng - Transit-Oriented Development). VinSpeed cũng đề xuất mô hình phát triển các đô thị thông minh gắn với nhà ga theo định hướng TOD, hợp tác cùng Vingroup và Vinhomes triển khai tại các khu vực phụ cận ga đường sắt.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được đánh giá là dự án đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Dự án có chiều dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM), tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD). Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công trong năm nay, trước mắt ưu tiên chặng Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang. Toàn tuyến dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2035.
Nóng cuộc đua
Các đề xuất trên của hai doanh nghiệp về cơ bản có thể xem là những ước tính ban đầu, một mặt thể hiện năng lực đáp ứng của doanh nghiệp với dự án, một mặt phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra với họ. Dù vậy, bài toán cụ thể hơn cần giải có lẽ là việc các doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực triển khai như thế nào, bài toán huy động và thu hồi vốn ra sao trên cơ sở mang lại nhiều lợi ích nhất cho cộng đồng.
Thực tế, nếu không có sự cạnh tranh sẽ khó có thể tìm ra doanh nghiệp tốt nhất cho dự án. Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân ra đời đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước có thực lực được tham gia các dự án trọng điểm lớn của Chính phủ, mở ra cơ hội phát triển cho chính họ.
Trước mắt, VinSpeed, Thaco được khá nhiều người đặt lên bàn cân so sánh. VinSpeed với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Tập đoàn Vingroup, giá trị vốn hóa thuộc Top đầu trên thị trường chứng khoán. Vingroup còn có thế mạnh với kinh nghiệm thi công loạt dự án bất động sản lớn trên cả nước, đặc biệt các khu đô thị lớn.
Trong khi đó Thaco hoạt động trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, công nghệ phụ trợ, nông nghiệp, logistisc... Dù vậy, nhiều mảng xem ra còn thách thức với doanh nghiệp như mảng nông nghiệp, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai mà Thaco có mối quan hệ hợp tác và đầu tư đã kéo dài khoản lỗ nhiều năm qua, cổ phiếu giao dịch dưới mốc 10 ngàn đồng mỗi đơn vị. Hay gần đây, dự án khu công nghiệp chuyên nông nghiệp, công nghệ cao Thaco – Thái Bình của Thaco đã chậm nhiều năm mà chưa được đưa vào sử dụng.
Có thể nói, mỗi doanh nghiệp sẽ có mặt mạnh và mặt yếu riêng. Sau VinSpeed, Thaco, liệu còn doanh nghiệp tư nhân lớn khác cùng tham gia cạnh tranh dự án? Thậm chí có ý kiến cho rằng, nếu điều đó xảy ra nên chăng có một liên doanh và chia điều theo năng lực từng công ty theo thế mạnh?
Tin gần nhất, chiều tối 20/5, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu các đề xuất của Công ty VinSpeed và báo cáo cấp có thẩm quyền.