Thủ tướng: Để tăng trưởng bứt phá, cần có những công trình mang tính chiến lược
(DNTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải tập trung huy động nguồn lực để đầu tư cho các công trình lớn tầm quốc gia, phải tạo ra sự đột phá về hạ tầng chiến lược, những công trình mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, xoay chuyển trạng thái...
Sau phiên đăng đàn trả lời chất vấn của 3 thành viên Chính phủ gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, chiều 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng), cho rằng vấn đề chống lãng phí là chủ đề được Đảng, nhân dân đặt ra cấp bách hiện nay, trong đó việc xử lý các dự án chậm tiến độ là giải pháp quan trọng. Thời gian qua, cử tri đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua việc xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, các tổ chức tín dụng yếu kém và có nhiều kết quả tích cực. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp, nhất là giải pháp về cơ chế và tiến độ trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua có nhiều dự án tồn đọng kéo dài, với 12 đại dự án tồn đọng kéo dài, đến nay đã xin xong chủ trương của Bộ Chính trị, và được Bộ Chính trị đồng ý. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, còn lĩnh vực nào vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội.
Ngoài 12 dự án còn có các dự án khác như đường sắt Cát Linh - Hà Đông; chuỗi dự án điện - khí Lô B-Ô Môn; Nhiệt điện Thái Bình 2…
Theo Thủ tướng, những kinh nghiệm này tiếp tục vận dụng cho các dự án còn lại; trên cơ sở đó sẽ rà soát lại những dự án tương tự, tiếp tục xử lý theo tinh thần tôn trọng hiện trạng...
Về các tổ chức tín dụng yếu kém, Thủ tướng cho biết đến nay đã có 4 ngân hàng chuyển giao bắt buộc xong, còn 2 ngân hàng đang xử lý. Còn với Ngân hàng SCB, tinh thần chỉ đạo là bảo đảm an toàn hệ thống; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; kiểm soát chặt chẽ tài sản, không để thất thoát; có lộ trình thực hiện phù hợp.
Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) đề nghị Thủ tướng cho biết các giải pháp trong chỉ đạo điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển hạ tầng chiến lược là một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu bứt phá, tăng trưởng (hạ tầng số, giao thông…). Cần tạo ra đột phá về hạ tầng với những công trình mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái. Đồng thời Thủ tướng dẫn chứng các dự án chiến lược như đường sắt cao tốc kết nối Bắc - Nam; khởi động lại dự án điện hạt nhân; đầu tư điện gió ngoài khơi...
Nói về nguồn lực thực hiện các dự án, Thủ tướng cho rằng trước hết cần phải giải quyết vấn đề thể chế, có cơ chế huy động nguồn lực (nguồn lực công, huy động nguồn vốn tư nhân, hợp tác công tư…), đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng mong Quốc hội ủng hộ các dự án hạ tầng lớn, cụ thể là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; sân bay Long Thành giai đoạn hai.
"Đầu nhiệm kỳ, chúng ta băn khoăn về nguồn lực, làm sao xây dựng được hệ thống đường cao tốc. Bắt đầu xây dựng hệ thống đường cao tốc từ năm 2000, đến năm 2021 khi bùng phát dịch Covid-19, chúng ta mới hoàn thành khoảng 1.000km đường cao tốc, vậy nguồn lực ở đâu để thực hiện gấp đôi số km đường cao tốc trong 20 năm. Chúng tôi băn khoăn lắm!", Thủ tướng chia sẻ.
Được sự chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị, các Tổng bí thư, sự ủng hộ của Quốc hội, chúng ta đã huy động nguồn lực từ Trung ương, địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc không thực hiện dàn trải các dự án.
Nêu thực tế từ 12.000 dự án giảm xuống còn hơn 4.000 dự án, Thủ tướng cho biết chỉ tập trung vào các dự án có tác động lớn, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái mới có thể thực hiện được.
Báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 10, kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát.
Về đầu tư công, theo Thủ tướng, đây là một trong những động lực tăng trưởng; vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, giải ngân còn chậm, 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước…
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, công tác này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, dành nguồn lực tăng cho chi phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, người đứng đầu cũng cho rằng, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết của mình và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Trong đó, việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…