Tháo điểm nghẽn đầu tư công: Giảm thiểu thủ tục rườm rà giúp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án
(DNTO) - Việc quy hoạch đồng bộ, giảm thiểu thủ tục rườm rà và tính toán khối lượng công việc chi tiết để phân bổ hợp lý…, sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông.
Cần giải quyết bài toán quy hoạch trước, sau đó tính toán bài toán giao thông
Chia sẻ trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công, hôm 15/8, các chuyên gia cho biết đầu tư công tiếp tục được xem là một trong các động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 29,39% yêu cầu đặt ra. Tại TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam bộ - nơi được xem là vùng kinh tế năng động nhất, việc giải ngân đầu tư công cũng gặp vô vàn khó khăn, tỉ lệ thực hiện còn thấp, nhất là TP.HCM chỉ đạt 15%.
Hiện nay, đầu tư công chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hạ tầng, giao thông. Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, trong vấn đề xây dựng cơ bản, nhất là xây dựng hạ tầng, giao thông, khi triển khai một dự án, dường như chúng ta nghĩ nhiều đến cạnh tranh về giá mà quên cạnh tranh về thời gian thực hiện.
Ông lấy ví dụ ở nước ngoài, nếu xây dựng dự án ở trung tâm thành phố có chiều cao dưới 6 tầng thì không được xây dựng quá 6 tháng dù là nhà nước hay tư nhân. Theo ông Lịch, những kinh nghiệm quản lý đô thị này cần được rút ra để xây dựng kỷ cương xây dựng, tránh ảnh hưởng tới trật tự công cộng và các công trình chung...
“TP.HCM hiện nay cần giải quyết bài toán quy hoạch trước, sau đó tính toán bài toán giao thông. Thành phố đã bàn nhiều vấn đề này nhưng chưa làm được, trong khi ở các nước, họ quy hoạch trên là trung tâm thương mại, dưới là hạ tầng ngầm giao thông. Việc khai thác không gian ngầm ở các đô thị là cực kỳ quan trọng để giải quyết các bài toán giao thông nhưng chúng ta chưa làm được”, ông Lịch kiến nghị.
Chỉ xin ý kiến đơn vị nào thật sự cần thiết
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nghị quyết 98 giao cho TP.HCM các dự án có tính chất liên vùng, dùng ngân sách địa phương cho các địa phương khác. Câu chuyện này trước đây Hải Phòng, Quảng Ninh từng vướng, vậy nay có Nghị quyết 98 thì việc đầu tư cao tốc TP.HCM - Tây Ninh có lập lại vướng mắc không cũng là điều được quan tâm.
“Giải pháp quan trọng nhất là phải bớt những thủ tục. Nhiều khi chỉ vì an toàn nên phải xin ý kiến tất cả các sở ngành, đơn vị dù không có nội dung liên quan, nên họ không biết phải trả lời thế nào? Do đó, chỉ xin ý kiến đơn vị nào thật sự cần thiết, công văn phải ghi rõ trong thời gian bao lâu. Đặc biệt với công nghệ hiện nay có thể trả lời online ngay trong 1 ngày, sẽ giải tỏa công tác trình tự, thủ tục”, ông Việt nói.
Bên cạnh đó, theo ông Việt, Nghị quyết 98 là cơ chế thí điểm đầu tư cơ sở hạ tầng liên vùng như cao tốc TP.HCM - Tây Ninh. Nhưng ở phía Bắc, tại dự án cao tốc Lạng Sơn – Cao Bằng đang có vấn đề là 1 địa phương giải phóng mặt bằng xong và 1 bên chưa xong. Việc quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất giao thông chậm hơn so với tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng. Do đó, về ngắn hạn, cần giải quyết khâu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để giải phóng mặt bằng, giao đất. Về dài hạn, quy hoạch đất sử dụng dự án cho giao thông phải đồng bộ, đi trước.
Thạc sĩ Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng Phòng nghiên cứu phát triển kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết vấn đề của khu vực TP.HCM và Đông Nam Bộ hiện nay là quỹ hạ tầng giao thông. Nếu tận dụng quỹ cũ sẽ nhanh nhưng vướng về pháp lý, luật mới, chưa thể thực hiện được, phải tiến hành sửa đổi. Nếu lập toàn quỹ mới sẽ rất thuận lợi, áp dụng các quy định mới dễ hơn nhưng thời gian hình thành quỹ sẽ rất nhiêu khê, trải qua nhiều công đoạn phức tạp, cơ chế góp vốn, thông qua HĐND từng giai đoạn mới được thành lập.
“Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM sử dụng ngân sách địa phương để sử dụng công trình giao thông trọng điểm mang tính chất liên tỉnh nhưng chỉ một vài dự án nhưng chưa ra công thức chung. Đòi hỏi cấp thiết nhưng cần sự nghiên cứu kỹ từ chuyên gia, các nhà khoa học và bộ ngành, Bộ Tài chính và Kế hoạch Đầu tư để tìm ra phương án tối ưu”, ông Nghĩa cho biết.