Thủ tướng phê bình nghiêm khắc 61 bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình
(DNTO) - Thủ tướng phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao và 33 bộ, cơ quan, 28 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, ngày 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đặc biệt là 11 bộ, cơ quan và 35 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, như EVN và Tổng Công ty Cảng hàng không, và nhiều dự án đầu tư công đang vượt tiến độ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua.
Bên cạnh đó, Thủ tướng phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng giao và 33 bộ, cơ quan, 28 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Thủ tướng cho rằng những khó khăn, vướng mắc của một số dự án phải kéo dài chưa được giải quyết triệt để. Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; quản lý khoáng sản và vật liệu thông thường, "mỏ nguyên vật liệu xây dựng thông thường mà cấp phép như mỏ vàng"; tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chuẩn bị dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đầu tư xây dựng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác đấu thầu và thanh tra, kiểm tra; có nơi xảy ra tình trạng thông thầu, bán thầu.
Một số địa phương còn chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm chính trị cao…
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới với mục tiêu giải ngân trên 95% số vốn đã phân bổ của năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "5 quyết tâm" và "5 bảo đảm".
"5 quyết tâm" gồm: Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi tiêu cực; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng kịp thời gian; quyết tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục; quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, đổi mới sáng tạo, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; quyết tâm khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai.
"5 bảo đảm" gồm: Bảo đảm chủ động nguyên vật liệu (nhất là cát sỏi, đất đắp nền…) và các điều kiện cần thiết cho các dự án; bảo đảm nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm (có phương án huy động đủ nhân lực, bố trí thêm khi cần đẩy nhanh tiến độ…); bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, công tác tái định cư, tạo sinh kế cho người dân trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; bảo đảm quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
"Vốn đầu tư công là tiền của của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu tiếp tục duy trì hoạt động của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó bổ sung thêm 1 tổ công tác do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Tổ trưởng; duy trì cơ chế hằng quý Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Rà soát kỹ từ khâu chuẩn bị dự án, giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định; lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công và các quy định tại các luật liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền; tăng cường giám sát, kiểm tra, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính...
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất đắp nền) cho các dự án đường bộ cao tốc, các dự án trọng điểm.
Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến giá thị trường; theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng và tăng cường kiểm soát giá vật liệu xây dựng theo đúng thẩm quyền, quy định...
Thủ tướng Chính phủ đã giao 669,3 nghìn tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho bộ, cơ quan và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được Quốc hội phân bổ.
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đạt khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng).
Một số bộ, cơ quan và địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt như: Đài Truyền hình Việt Nam (100%); Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (90,07%); Nam Định (58,75%); Thanh Hóa (56,83%); Lào Cai (54,23%); Phú Thọ (51,02%); Bà Rịa - Vũng Tàu (49,66%); Bộ Xây dựng (47,91%); Tiền Giang (47,42%); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (46,88%); Bộ Giao thông vận tải (41,16%).
Những đơn vị số giải ngân tuyệt đối cao là: Bộ Giao thông vận tải (24,4 nghìn tỷ đồng); Hà Nội (22,6 nghìn tỷ đồng); TP. HCM (11 nghìn tỷ đồng). Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã rất nỗ lực triển khai đường dây 500 kV mạch 3, Tổng Công ty Cảng hàng không tích cực triển khai dự án xây dựng sân bay Long Thành...