Chiến lược đầu tư chứng khoán tháng 11: Đầu tư công duy trì đà tăng trưởng và kỳ vọng có nhiều đổi mới
(DNTO) - Giải ngân vốn đầu tư công tăng trưởng tích cực. Vốn đầu tư công thực hiện trong 10 tháng đầu năm 2023 tăng 22,6% so với cùng kỳ. Giới phân tích tiếp tục duy trì kỳ vọng giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng 25% so với cùng kỳ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi qua những phiên giao dịch trong tháng 10/2023 với tâm lý nặng nề, khi VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do tác động từ cả yếu tố nội tại và bên ngoài, ghi nhận mức giảm 10,9% kể từ đầu tháng.
Tháng 10, thị trường chứng khoán thế giới gặp áp lực trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng gần mức 5%. Trong nước, tất cả các nhóm ngành đồng loạt giảm trong tháng 10. Nhóm ngành bán lẻ và dịch vụ tài chính bị bán mạnh nhất.
Sau khi ra kết quả GDP Việt Nam 9 tháng năm 2023 đạt 4,2%, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự hồi phục kinh tế như bán lẻ, xây dựng và thép gặp áp lực bán mạnh. Cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính cũng bị bán tháo mạnh sau diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán gần đây. Ngành viễn thông ghi nhận mức tăng vượ ttrội chủ yếu nhờ cổ phiếu VGI tăng 21% trong tháng 10.
Điểm nhấn thị trường chứng khoán tháng 10/2023 là xu hướng bán mạnh mẽ khiến thanh khoản bốc hơi. Giá trị bán ròng của khối ngoại giảm nhẹ.
Về chiến lược thị trường tháng 11/2023, giới phân tích nhận định đầu tư công duy trì đà tăng trưởng và kỳ vọng có nhiều đổi mới trong kỳ họp Quốc hội. Theo Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện trong tháng 10/2023 đạt 65.661 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng năm 2023, giải ngân đạt hơn 479 nghìn tỷ đồng (+22,6% so với cùng kỳ), tương đương 67,4% kế hoạch cả năm.
Khối phân tích tiếp tục duy trì kỳ vọng giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng 25% so với cùng kỳ. Sở dĩ giải ngân đầu tư công là được coi là chiến lược hợp lý vì trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, diễn ra trong tháng 10, Thủ tướng Chính phủ đặt ra các nội dung liên quan đến đầu tư công như thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025, xem xét Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam trong năm 2024, phấn đấu năm 2024 đạt tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc trên 43,7%.
Đưa ra khuyến nghị đối với các nhà đầu tư, Khối phân tích của VNDirect cho rằng không sử dụng đòn bẩy ký quỹ để giải ngân cổ phiếu trong trung và dài hạn; không đầu tư tập trung một cổ phiếu hoặc một nhóm ngành duy nhất; tránh đầu tư một khoản tiền lớn vào một thời điểm, các nhà đầu tư có thể chia khoản đầu tư dài hạn thành nhiều phần và giải ngân từ từ, hoặc áp dụng phương pháp giải ngân theo kiểu tích sản.
Theo VNDirect, những cổ phiếu có tiềm năng bao gồm: Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện xuất khẩu phục hồi; nhóm cổ phiếu đầu tư công; một số cổ phiếu nhóm bất động sản có tình hình tài chính lành mạnh sẽ bứt phá trong giai đoạn tới, khi nhóm dự luật (sửa đổi) liên quan tới ngành bất động sản chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực.
Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm
Liên quan đến đầu tư công, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 6/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thu gọn tối đa đầu mối; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII, theo Báo cáo của Chính phủ.
Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục khởi công toàn bộ các dự án được Quốc hội thông qua; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông; xây dựng quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc.
Từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII.
Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý phát triển đô thị, xây dựng, quản lý nhà và thị trường bất động sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Phê duyệt, tích cực triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành nhà chung cư…
Đã thành lập 5 Tổ công tác và 26 đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở các địa phương.