Khả năng giải ngân 95% của hơn 711.000 tỷ đồng khó khả thi, Đại biểu Quốc hội chỉ rõ nguyên nhân
(DNTO) - Hiện vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công đang "nằm kho" do cán bộ sợ trách nhiệm. Đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn đưa GDP về đích, cần giải pháp đột phá hơn nữa để đẩy nhanh đầu tư công “bung" mạnh như kỳ vọng, chỉ có vậy mới thúc sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Thực tế nghịch lý "có tiền nhưng không tiêu hết" là câu chuyện chưa có hồi kết. Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đánh giá, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Trong đó, còn tới 42 bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tiến độ trong những tháng còn lại.
Tính riêng đầu tàu kinh tế TP.HCM, chiều 30/10, thông tin tại họp báo về vấn đề giải ngân đầu tư công, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết năm 2023, TP.HCM được giao giải ngân hơn 68.000 tỷ đồng. Song, đến nay, mới giải ngân 24.199 tỷ vốn đầu tư công, đạt 35% kế hoạch. Đồng nghĩa với việc, TP.HCM chỉ còn "70 ngày nước rút" để hoàn thành mục tiêu và chuẩn bị cho năm 2024, song mục tiêu này dường như là bất khả thi.
Sức nóng giải ngân đầu tư công một lần nữa được đưa ra mổ xẻ tại Nghị trường Quốc hội sáng 1/11. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc thực hiện giải ngân đầu tư công, trong đó có nguyên nhân cán bộ sợ sai, không dám làm.
Mà căn cơ dẫn đến "căn bệnh" sợ sai của cán bộ, theo đại biểu Tạ Văn Hạ, mô hình bộ máy giúp việc không thống nhất, trong đó mỗi địa phương mỗi kiểu khác nhau. Số lượng văn bản pháp luật, hướng dẫn thực hiện quá nhiều dẫn đến lúng túng trong thực hiện giữa cán bộ thi hành với người giám sát.
"Đơn cử như việc xác định giá trị đất đai trong các vụ án, sai phạm, có những trường hợp xác định giá trị tại thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm lại cho rằng cần xác định giá trị thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc...", đại biểu Hạ lấy ví dụ và nhấn mạnh, cần rà soát, nghiên cứu, đảm bảo thống nhất cách hiểu các văn bản pháp luật, đồng thời, trong công tác xây dựng pháp luật, cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, hiểu và tuân thủ pháp luật một cách nhất quán.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông), cho rằng qua kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn do được ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp.
"Với gần 70 % nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật và thuộc các dự án luật đã có ở trong chương trình, tại kỳ họp lần này cũng có rất nhiều nội dung đã được trình Quốc hội như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản", đại biểu nói.
Cùng với đó, hiện vẫn còn 7% kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được giao do các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, dẫn đến kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng tiến độ thực hiện giải ngân và hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ, giao vốn chậm. Một số nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn dẫn đến các địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện.
Điều đáng nói, tình trạng lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện và giao nhiều lần trong năm 2021, 2022 dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao vẫn tái diễn, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn được nhận định là một khâu yếu, chưa được giải quyết triệt để. Vẫn còn tình trạng khi có vốn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định dự án không thực hiện đúng quy định Luật Đầu tư công.
"Chính điều này dẫn đến “vốn chờ dự án đủ thủ tục” tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng lớn tới tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn, tổ chức thực hiện", đại biểu nhìn nhận.
Rõ ràng hiện nay, với nguồn lực còn eo hẹp, mỗi đồng ngân sách chắt chiu bỏ ra đều mang trọng trách dẫn dắt, là vốn mồi huy động các nguồn vốn bên ngoài, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Chậm giải ngân không chỉ lãng phí nguồn lực mà nền kinh tế còn bỏ lỡ cơ hội hồi phục, phát triển. Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần “bung ra” mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, để tăng cầu, tổng cầu của nền kinh tế.
Để không “lụt” tiến độ, các Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), đề nghị các bộ, ban ngành, địa phương cần có các giải pháp quyết liệt và kịp thời hơn nữa để bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng và đảm bảo nguồn cung. Yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm tiến độ. Trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ.
"Cần đào thải cán bộ sợ sai, chờ thời, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Đặc biệt lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm tiêu chí đánh giá năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu”, đại biểu nhấn mạnh.
Chỉ rõ "điểm huyệt" ghìm chân tiến độ giải ngân, theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, quy định của pháp luật hiện hành, khi có tiền, xác định rõ nguồn vốn mới được lập dự án, nên cần phải mất một khoảng chờ khá lâu. Đề nghị Chính phủ có giải pháp để tháo gỡ, kịp thời bố trí nguồn ngân sách để việc triển khai thực hiện dự án thuận lợi và giải ngân được ngay.
Đặc biệt, Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, để giải phóng nguồn lực. Đồng thời, có cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở "vừa túi tiền" để bảo đảm thanh khoản tốt, giải quyết được nhu cầu chỗ ở thực và đang thiếu nguồn cung ở các đô thị lớn. Bảo đảm minh bạch hóa và giảm chi phí trung gian để nhà đất trở về giá trị thật, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững...
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là chính sách để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Vì hiện nay trên cả nước có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp cơ khí chế tạo ở Việt Nam.
Cùng với đó, có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến, lựa chọn phụ tùng, linh kiện mà các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất; tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước với nhau, có cơ chế để các nhà đầu tư, các nhà thầu ưu tiên sử dụng các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất hoặc đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, để hạn chế phải nhập khẩu.
"Có chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước, như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, từ đó giúp các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước nâng cao năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực đảm nhận được vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu", đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất.