Tăng tốc giải ngân đầu tư công để đạt kế hoạch tham vọng của năm 2023
(DNTO) - Chính phủ đang nỗ lực và quyết liệt hơn trong đầu tư công để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (kế hoạch Quốc hội là 711.684 tỷ đồng).
Theo Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 8/2023 đã tăng 29,1% so với cùng kỳ lên 61,3 nghìn tỷ đồng (so với +27,7% so với cùng kỳ trong tháng trước). Trong 8 tháng của năm 2023, vốn nhà nước thực hiện tăng 23,1% so với cùng kỳ lên 352,1 nghìn tỷ đồng, cao hơn tốc độ tăng trưởng 17,1% so với cùng kỳ của cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư công thực hiện trong 8 tháng năm 2023 đạt 49% kế hoạch cả năm 2023.
Bộ Tài chính cũng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn Ngân sách Nhà nước (NSNN) lũy kế 7 tháng, ước thực hiện 8 tháng kế hoạch năm 2023.
Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch vốn, Bộ Tài chính cho biết, có 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (65,38%), Ngân hàng nhà nước (62,75%), Ngân hàng phát triển (100%), Tiền Giang (62,12%), Long An (66,18%), Đồng Tháp (66,94%).
Có 41/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương chỉ giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch vốn; trong đó có 33 bộ, cơ quan trung ương và 08 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn.
Theo Bộ Tài chính, một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án đang hoàn thiện đủ thủ tục đầu tư để phân bổ vốn vì vậy chưa thể giải ngân kế hoạch năm 2023; một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không phân bổ vốn năm 2023.
Vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu, các chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; gia hạn Hiệp định dự án ODA (Dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu, Dự án Bệnh viện Ung bướu tỉnh Cần Thơ), các dự án sử dụng vốn ODA thực hiện các thủ tục điều chỉnh, đấu thầu, nghiệm thu, đều phải có thư không phản đối của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian.
Một số dự án (di tích, y tế) chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành, chậm triển khai bước lựa chọn đơn vị thẩm định giá, hồ sơ mời thầu...
Trong bối cảnh các “trụ cột” tăng trưởng đều suy giảm, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư công được kỳ vọng trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023. Khối phân tích của VNDirect nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong những tháng tới.
Cụ thể, nợ công thấp tạo dư địa mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhờ tăng trưởng GDP vững chắc trong giai đoạn 2016-2022 và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh chóng trong những năm qua từ 51% vào cuối năm 2016 xuống còn 38% vào cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP.
Yếu tố nữa là lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023. Tính đến ngày 31/8, trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Việt Nam giảm lần lượt 2,9 và 2,2 điểm % so với đầu năm 2023, xuống mức 1,8% và 2,6%.
Đặc biệt, lạm phát trong nước được kiểm soát cũng là một yếu tố ảnh hưởng tích cực đến tiến độ giải ngân các dự án. Lạm phát bình quân giảm xuống mức 2,4% so với cùng kỳ trong quý 2/2023 từ mức 4,2% so với cùng kỳ trong quý 1/2023.
"Chúng tôi dự báo lạm phát bình quân tăng 2,8% so với cùng kỳ trong quý 3/2023, và chúng tôi giữ nguyên dự báo CPI bình quân năm 2023 của Việt Nam ở mức 3,3% (+/-0,2 điểm %), qua đó đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm nay của Chính phủ. Khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, Chính phủ có thể xem xét mở rộngthêm chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo vốn nhà nước thực hiện trong năm 2023 sẽ tăng 25% so với thực hiện trong năm 2022", Khối phân tích VNDirect nhận định.
Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cần phải tăng tốc giải ngân đầu tư công. Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện ngay và chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt còn thiếu vốn trong nội bộ của bộ ngành, địa phương theo quy định, để bảo đảm thực hiện và giải ngân hết số vốn đã được giao.
Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.