Tăng trưởng GDP Quý 1/2025 thất vọng, lo lắng bao trùm các nền kinh tế ASEAN

(DNTO) - Năm trong số sáu nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã báo cáo tăng trưởng Quý 1/2025 với kết quả đáng thất vọng, cho thấy động lực phát triển kinh tế trong vùng đang dần phai nhạt ngay cả trước khi các mức thuế quan của Mỹ đi vào hiệu lực.

Một bến cảng ở Singapore. Nền kinh tế chuyên thương mại này dự kiến sẽ gặp trở ngại từ thuế quan của Hoa Kỳ trong phần còn lại của năm. Ảnh: Nikkei Asia
Các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Malaysia, Singapore và Thái Lan hiện đang chuẩn bị cho mức tăng trưởng cả năm yếu hơn dự kiến, nhấn mạnh tác động từ những bất ổn toàn cầu đang đè nặng lên xuất khẩu và nền kinh tế nội địa, dấy lên lo ngại cho giới đầu tư và doanh nghiệp.
Dữ liệu từ Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) cho thấy GDP nước này tăng trưởng 3,1% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 3,3% của quý trước. Xuất khẩu tăng 12,3%, nhưng chi tiêu chính phủ yếu hơn và tiêu dùng cá nhân sụt giảm đã kéo tốc độ tăng trưởng xuống. Nợ hộ gia đình cao đã ảnh hưởng đến sức mua.
Bốn quốc gia lân cận đã công bố số liệu GDP quý cũng cho thấy sự chậm lại, bao gồm nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia, với mức tăng trưởng 4,87% trong quý 1 (so với 5,02% quý trước) - mức yếu nhất kể từ quý 3 năm 2021. Tăng trưởng GDP tại Malaysia đạt 4,4% (so với 4,9%), Singapore 3,8% (so với 5%) theo dữ liệu sơ bộ và Việt Nam 6,93% (so với 7,55%). Philippines là trường hợp ngoại lệ, tăng trưởng 5,4% (tăng nhẹ so với 5,3% quý trước) nhờ cắt giảm lãi suất và lạm phát thấp.
Sự sụt giảm chung này diễn ra khi các nền kinh tế Đông Nam Á, nhiều nước phụ thuộc vào xuất khẩu, đang phải đối mặt với những khó khăn do các mức thuế sâu rộng của Tổng thống Mỹ, Donald Trump. Các mức thuế ban đầu công bố vào đầu tháng 4 đã gây ảnh hưởng đáng kể, trong đó 46% áp dụng cho Việt Nam, 36% cho Thái Lan, 32% cho Indonesia, 24% cho Malaysia, 17% cho Philippines và 10% cho Singapore. Sau đó, Mỹ đã giảm mức thuế xuống 10% cho hầu hết các nước (trừ Trung Quốc) trong 90 ngày để các chính phủ đàm phán.
Việc kinh tế Trung Quốc có thể chậm lại do chiến tranh thương mại với Washington cũng có thể ảnh hưởng đến Đông Nam Á, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước trong khu vực.
Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2025. Singapore tháng trước đã hạ dự báo xuống mức 0% đến 2% (từ 1% đến 3%) lấy lý do bất ổn thương mại từ thuế quan của Mỹ. Ngân hàng trung ương Malaysia dự báo tốc độ tăng trưởng năm nay sẽ "thấp hơn một chút" so với dự báo trước đó là 4,5% đến 5,5%. NESDC Thái Lan hạ dự báo tăng trưởng cả năm xuống 1,3%-2,3% (từ 2,3%-3,3%), viện lý do dẫn nợ cao, suy thoái kinh tế và thương mại toàn cầu cùng tác động của các biện pháp bảo hộ thương mại. Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan xuống 1,4% (từ 2,4%).
Ngân hàng Trung ương Philippines, Singapore và Thái Lan đã nới lỏng chính sách tiền tệ tháng trước sau thông báo thuế quan của Mỹ để hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương Malaysia giữ nguyên lãi suất chính ở mức 3% trong hai năm, nhưng áp lực cắt giảm đang gia tăng.