Vốn mồi từ hàng triệu tỷ đồng tồn đọng ở ngân quỹ: Doanh nghiệp chờ 'khơi' trở lại
(DNTO) - Hiện có 1 triệu tỷ đồng nằm "đắp chiếu" trong Kho bạc Nhà nước phải gửi ngân hàng. Đáng chú ý, tỷ trọng lớn nhất trong khoản tiền này thuộc vốn đầu tư công. Doanh nghiệp thì kêu “khát vốn”, trong khi có tiền mà không tiêu được đang là một nghịch lý.
Từ cuối năm 2022 tới nay, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp luôn khát vốn để phục hồi, phát triển. Mặc dù suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Đại diện nhiều doanh nghiệp trần tình, để duy trì sản xuất, phải làm thủ tục vay vốn ngân hàng nhưng rất khó tiếp cận. Trong khi đó, nhiều khoản nợ dự án xây dựng cơ bản với địa phương chưa kịp thanh toán, khiến họ rơi vào cảnh đói vốn.
Doanh nghiệp đói vốn song nghịch lý ngân quỹ nhà nước nằm "đắp chiếu" lại không ngừng tăng lên và đã mức 1 triệu tỷ đồng do bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đủ quy trình thủ tục, chưa giải ngân nên tiền đọng ngân quỹ. Đáng chú ý, tỷ trọng lớn nhất trong khoản tiền này thuộc vốn đầu tư công. Đây là một vấn đề nhức nhối với nước ta - một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển, phải chắt chiu từng cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý “tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được”.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu thực trạng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm gần 29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023.
“Do chậm giải ngân, số tiền nằm ở kho bạc trên 1 triệu tỷ đồng trong khi doanh nghiệp phải đi vay lãi suất cao là sự lãng phí. Đây là "cục máu đông" gây tắc nghẽn dòng tiền nền kinh tế. Vì vậy, tôi đề nghị, các đơn vị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Khi gặp khó khăn, các đơn vị trình, báo cáo lãnh đạo bộ, tôi sẽ ký và chịu trách nhiệm”, ông Phớc cho biết.
Hiện tiến độ giải ngân đầu tư công đang có dấu hiệu "hụt hơi" so với cùng kỳ gây nhiều lo lắng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm. Cập nhật đến cuối tháng 6/2024, ước thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước là 196.669,4 tỷ đồng, đạt 27,51% kế hoạch, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 30,49%.
Chỉ rõ vướng mắc khiến giải ngân vốn đầu tư công sụt giảm so với cùng kỳ, tại họp báo về "kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 của hệ thống Kho bạc Nhà nước", chiều 18/7, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước, cho biết "điểm nghẽn" lớn nhất vẫn đến từ khâu giải phóng mặt bằng nên các đơn vị chậm trễ khi thi công, dẫn đến không có giá trị thanh toán.
Cùng với đó, thời gian qua thị trường vật liệu xây dựng như đất, đá, cát cũng có nhiều tín hiệu không thuận lợi, ảnh hưởng tiến độ thi công. Bên cạnh đó, vướng mắc chủ quan như chủ đầu tư triển khai dự án còn chậm, chậm có khối lượng thanh toán để khiến Kho bạc Nhà nước khó có thể duyệt chi.
Theo Luật Đầu tư công, có dự án mới được bố trí tiền, nhưng khâu chuẩn bị dự án "tắc" sẽ dẫn tới ứ đọng các khâu tiếp theo, như giải ngân vốn không thực hiện được. Do đó, phải sửa luật, có thể dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này.
"Trong quý 3/2024 tới đây, Kho bạc Nhà nước dự kiến phối hợp Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) tập huấn kiểm soát chi, về công tác cải cách thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, tạo thuận lợi tối đa cho việc giải ngân", Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi thông tin.
Để tạo sức bật cho nền kinh tế thông qua giải ngân đầu tư công, trong một nghiên cứu mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) kiến nghị, cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi. Nhanh chóng ổn định nhân sự các địa phương để khâu tổ chức thực thi các chính sách cho doanh nghiệp không bị kéo dài thời gian, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc không chỉ của doanh nghiệp mà còn cả cán bộ công chức các bộ, sở, ban ngành đang mắc phải.