Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi thường xuyên trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 84,7% dự toán
(DNTO) - Tính đến ngày 31/12/2023, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên đạt 1.003.334 tỷ đồng, bằng 84,7% dự toán năm 2023 của ngân sách nhà nước (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Thông tin trên được Kho bạc Nhà nước công bố tại họp báo về kết quả công tác trọng tâm năm 2023, ngày 12/1. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước năm 2023 trong cân đối đạt 1.752.404 tỷ đồng, bằng 108,12% so với dự toán năm 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 105,94% so với dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 110,61% so với dự toán.
Kho bạc Nhà nước hiện đại hóa phương thức kiểm soát chi thông qua các ứng dụng. Đến nay, 100% đơn vị đã tham gia giao dịch trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, trừ khối an ninh - quốc phòng, chiếm 99,5% hồ sơ kiểm soát chi ngân sách nhà nước. 100% thủ tục hành chính lên mức độ 4.
Đối với chi thường xuyên, tính đến ngày 31/12/2023, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát đạt 1.003.334 tỷ đồng, bằng 84,7% dự toán (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng). Đối với chi đầu tư công, tính ngày 31/12/2023, lũy kế vốn thanh toán qua Kho bạc Nhà nước là 568.135,9 tỷ đồng, bằng 85,7% kế hoạch.
Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết, có thời điểm, hệ thống Kho bạc Nhà nước trên toàn quốc xử lý tới 600.000 - 700.000 hồ sơ giải ngân vốn đầu tư công mỗi ngày, gấp hơn 2 lần so với ngày bình thường.
Về huy động vốn, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 298.476 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch; kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 12,58 năm; lãi suất phát hành bình quân là 3,21%/năm. Tổng khối lượng thanh toán gốc, lãi trái phiếu chính phủ năm 2023 là 184.588 tỷ đồng.
Từ tháng 4/2023 đến ngày 31/12/2023, có tổng cộng 39.388 đơn vị sử dụng ngân sách đã ủy quyền để Kho bạc Nhà nước thanh toán khoảng 1.600 nghìn tỷ đồng, giúp giảm 90.684 hồ sơ giao dịch/tháng.
Trả lời báo chí về việc tại sao Kho bạc Nhà nước không báo cáo, “đảo nợ” khi lãi suất xuống thấp, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết: Trong năm 2023, kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ chưa đề cập đến phương án vay để “đảo nợ”, phương án của năm 2024 đến nay chưa được thông qua. Tuy nhiên, năm 2023-2024 là giai đoạn các khoản nợ đến hạn rất lớn. Trong bối cảnh ngân sách còn bội chi, việc vay để trả nợ đến hạn không khả thi.
Liên quan đến điều hành ngân quỹ nhà nước, tính đến cuối năm 2023, số ngân quỹ này là hơn 800.000 tỷ đồng. Theo quy định, số dư này tập trung về Ngân hàng Nhà nước vừa bảo đảm nâng cao thanh khoản, vừa hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ.
Phần còn dư được gửi kỳ hạn ở ngân hàng thương mại nhà nước với phương thức gửi là đấu thầu cạnh tranh lãi suất, mức gửi bảo đảm hạn mức quy định của Bộ Tài chính. Sau khi trừ đi phần chi cho hoạt động nghiệp vụ, năm 2023 Kho bạc Nhà nước đã nộp ngân sách 6.815 tỷ đồng.
Số dư Quỹ Vaccine phòng Covid-19 còn hơn 3 nghìn tỷ đồng
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số tiền ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng Covid-19 là 10.871 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 229,4 tỷ đồng). Chi từ Quỹ là 7.672,2 tỷ đồng. Trong đó, chi mua và sử dụng vaccine 7.667, 6 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 4,6 tỷ đồng. Số dư Quỹ tính đến cuối ngày 31/12/2023 là 3,198,7 tỷ đồng.
"Ưu tiên số một khi sử dụng nguồn tiền đó là cho ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương vay, tạm ứng, còn nếu ngân sách trung ương ngân sách địa phương hết nhu cầu, Kho bạc Nhà nước sẽ gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, dùng nguồn tiền nhàn rỗi để mua lại trái phiếu Chính phủ đang lưu hành với thời gian quy định là tối đa 3 tháng", lãnh đạo Kho bạc thông tin về công tác quản lý Quỹ.