Ngành dược trong nước, cuộc cạnh tranh khốc liệt của các ông lớn?

(DNTO) - Lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành dược ngày càng phân hóa khi các doanh nghiệp lớn với sự hậu thuẫn mạnh tay từ các nhà đầu tư ngoại ngày càng chiếm ưu thế.
Mạnh tay thâu tóm
Thông tin vừa được Livzon Pharmaceutical Group (Trung Quốc) công bố vào ngày 22/5, công ty này đã mua cổ phần tại Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP), với tỷ lệ lên tới gần 65%, lượng cổ phiếu đạt gần 100 triệu cổ phiếu.

Ảnh minh họa
Số cổ phần này được Livzon Pharmaceutical mua lại từ ba cổ đông tổ chức lớn bao gồm: SK Investment, công ty con của SK Group (43,7 triệu cổ phiếu, tương đương 47,6% tại IMP); Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Bình Minh Kim (15 triệu cổ phiếu, tương đương 9,7%) và Công ty KBA (11,3 triệu cổ phiếu, tương đương trên 7%).
Tổng số tiền được Livzon Pharmaceutical chi ra lên tới 5,7 ngàn tỷ đồng. Như vậy tính theo giá trị cổ phiếu IMP hiện đang giao dịch sáng ngày 23/5 là 52.100 đồng/cp, mức giá cao nhất kể từ tháng 9/2024 đến nay, thì giá trị thương vụ của Livzon đang cao hơn giá thị trường gần 10%. Điều này cho thấy sự mạnh tay của ông lớn này trong mục tiêu đưa IMP về dưới trướng.
Bản thân Livzon cũng nói rõ, thương vụ với IMP nằm trong mục tiêu tăng cường mở rộng thị trường quốc tế, đồng thời là bước đi chiến lược thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong ngành dược của đơn vị này. Thông tin về với Livzon đã giúp cổ phiếu IPM tăng bật trong phiên giao dịch ngày 23/5, với mức tăng gần 3%.
Imexpharm là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành dược bên cạnh Dược Hậu Giang (DHG) và Dược Bình Định (DBD), trong đó mảng thuốc kháng sinh là thế mạnh của doanh nghiệp, chiếm khoảng 10% thị phần thuốc kháng sinh trong nước.
Kết thúc quý 1 năm nay, lợi nhuận trước thuế đạt 95 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; doanh thu thuần đạt gần 600 tỷ đồng, tăng 21% với sự đóng góp tích cực cả từ hai kênh ETC và OTC. IMP cũng đang vận hành 4 nhà máy, trong đó có 12 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP.
Miếng bánh khó nhằn
Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp dược lớn đầu ngành trong nước luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư ngoại. Nhiều thương vụ M&A lớn đã diễn ra như giữa Domesco (DMC) và Abbott, Dược Hậu Giang và Taisho, Dược Hà Tây và ASKA Pharmaceutical... trong đó các cổ đông ngoại không ngừng nâng cao tỷ lệ sở hữu.
Tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), Abbott đang nắm 51,6% cổ phần. Tại Dược Hậu Giang, Taisho Pharmaceutical, một tập đoàn dược phẩm của Nhật Bản cũng có tới 51% cổ phần. Hay ở Công ty Dược Hà Tây, ASKA Pharmaceutical đang nắm giữ hơn 40%. Và như thông tin trên Livzon Pharmaceutical Group sẽ có trong tay 65% tại IPM.
Sự tham gia của ông lớn ngoại trong ngành dược đang khiến cho sự cạnh tranh trong ngành càng trở nên khốc liệt hơn. Các doanh nghiệp có nhiều lợi thế về nguồn vốn tích cực xây dựng, nâng cấp nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP, điều này giúp họ tận dụng ưu đãi trong đấu thầu thuốc cũng như nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, gia tăng thị phần trong kênh thuốc bệnh viện. Việc nghiên cứu đầu tư cho ra mắt các sản phẩm mới đáng ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường cũng được họ đẩy mạnh, góp phần tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận.
Trong khi đó, quý 1 năm nay, nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận giảm như Traphaco (TRA) báo lãi giảm 23% so với cùng kỳ, còn 42 tỷ đồng; Công ty Dược Việt Nam (DVN) giảm lãi 10%; OPC giảm doanh thu dẫn đến lợi nhuận giảm 25%, còn 24 tỷ đồng; CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar (MKP) chuyển từ lãi 14 tỷ đồng sang lỗ 13 tỷ đồng do doanh thu giảm và chi phí tăng; CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (DP2) lỗ 3,4 tỷ đồng, nặng hơn khoản lỗ 1,4 tỷ đồng cùng kỳ...
Điều này cho thấy sự phân hóa trên thị trường ngày càng rõ nét, cần các doanh nghiệp trong nước phải không ngừng đổi mới, đầu tư dây chuyền sản xuất và hoạt động R&D để tận dụng các lợi thế của thị trường trong nước.
IQVIA, nhà cung cấp dữ liệu y tế lớn nhất thế giới, dự báo ngành dược Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 6%-8% trong giai đoạn 2023-2028, chi phí chăm sóc sức khỏe/đầu người cũng dự kiến tăng từ 237 USD lên 328 USD trong giai đoạn này.
Hiện tại, sản xuất thuốc trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sử dụng. Theo chiến lược phát triển của ngành, ngành dược phấn đấu đến năm 2030 đáp ứng được 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường thuộc. Nhiều chính sách mới được Nhà nước ban hành để thúc đẩy ngành dược, nổi bật là Luật dược sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua.
Trong khi đó, xu hướng già hóa dân số, người cao tuổi thường có nhu cầu sử dụng dược phẩm chăm sóc sức khỏe, nhận thức người dân về sức khỏe tăng cao, cùng đó là sự tăng trưởng thu nhập của người dân kích thích chi tiêu cho ngành dược.