Giải mã 'sóng' tăng của nhóm cổ phiếu ngành dược
(DNTO) - Nhóm cổ phiếu ngành dược bất ngờ tăng mạnh đang cho thấy kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư dành cho triển vọng của ngành này.
Dòng tiền bất ngờ đổ dồn vào nhóm cổ phiếu ngành dược khiến nhiều cổ phiếu tăng bốc đầu chạm đỉnh lịch sử. Như IMP của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm, sau hai phiên tăng kịch trần liên tiếp ngày 15 và 16/7, cổ phiếu này đã chạm mức đỉnh lịch sử 93.400 đồng/cp.
Tương tự, DHT của Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây cũng chinh phục mốc giá cao nhất từ trước đến nay với 73.100 đồng/cp sau hai phiên tăng kịch trần đẩy thị giá tăng tổng cộng gần 20%.
Cổ phiếu PMC của Công ty Dược phẩm Dược liệu Pharmedic cũng đang trong vùng giá đỉnh với 88.000 đồng/cp.
Một loạt cổ phiếu khác cũng đang duy trì mức tăng tốt như BDB của Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR), TRA của CTCP Traphaco hay DP3 của CTCP Dược phẩm Trung ương 3...
Như vật, tính từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu ngành dược đã ghi nhận kết quả khá tích cực như DP3 tăng gần 16%; DHG tăng gần 20%; IMP tăng 96%; cá biệt như DHT tăng gần 250%...
Dù nhiều cổ phiếu ngành sức khoẻ đã tăng cách đây vài tháng nhưng làn sóng tăng giá mạnh và đồng loạt của nhóm này thực sự rõ nét trong hơn một tuần nay khi nhiều mã tăng kịch trần trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi thông tin từ kết quả kinh doanh quý 2.
Chỉ số VN-Index tính đến ngày 16/7 đã lùi về mốc 1.281 điểm từ mốc 1.293 điểm. Các cổ phiếu dược lại nằm trong nhóm vốn hoá vừa và nhỏ, vì vậy đà tăng mạnh trên có thể giải thích từ sự luân chuyển liên tục của dòng tiền. Dòng tiền sẽ có xu hướng thay phiên trú ẩn tại nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau trong giai đoạn thị trường tích tụ, chuẩn bị cho một giai đoạn mới.
Nằm trong nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, nên sự luân chuyển liên tục của dòng tiền được giải thích là lý do chính khiến nhóm này trỗi dậy trong phiên giao dịch hôm nay.
Tính đến hiện tại, mới chỉ một vài doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm, tuy nhiên, triển vọng dài hạn đã tạo đà hưng phấn cho nhóm cổ phiếu của các công ty dược phẩm.
Trước hết, nhu cầu về dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đang ngày càng tăng cao trước sự gia tăng của nhu cầu chăm lo cho sức khoẻ của người dân. Tốc độ già hoá và rủi ro về bệnh tật đang trở thành nỗi lo lắng của nhiều người, trong khi đó thu nhập lại tăng lên khiến họ mạnh tay hơn để chi cho sức khoẻ bản thân và gia đình.
Ngoài ra, Chính phủ đã có chiến lược phát triển ngành dược quốc gia giai đoạn đến năm 2030 cũng là tiền đề quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng ngành. Các công ty dược còn được cho là được hưởng lợi từ các hiệp định FTA, giúp họ có cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối cũng như tiếp cận với các thị trường nước ngoài. Theo Agriseco, việc mở rộng các lĩnh vực trị liệu mới áp dụng công nghệ cao cũng góp phần thúc đẩy thị trường chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam.
Hiện tại, các doanh nghiệp sở hữu dây chuyền sản xuất tiêu chuẩn cao đang ngày càng được hưởng nhiều lợi thế hơn. Theo Thông tư 03/2024/TT-BYT, Bộ Y tế ban hành danh mục 93 thuốc có ít nhất 3 hãng trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất EU-GMP, giúp gia tăng cơ hội trúng thầu cho các doanh nghiệp nội địa sở hữu dây chuyền sản xuất tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương.
Theo công ty chứng khoán VDSC, các chuyên gia khuyến nghị hai cổ phiếu trong trung và dài hạn là IMP và DBD.