Sóng tăng của cổ phiếu ngành dược: Liệu có 'sớm nở tối tàn'?
(DNTO) - Nhiều cổ phiếu ngành dược bất ngờ tăng nóng kịch trần chỉ trong thời gian ngắn vừa qua. Liệu sóng tăng này có bền là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm?
Tím ngắt bất chấp đà xuống của thị trường
Cổ phiếu ngành dược từng được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng khi đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất bắt đầu. Tuy nhiên, sự kỳ vọng này không kéo dài. Sức nóng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản... đã phủ trùm lên thị trường.
Thị trường chứng khoán bước vào những ngày cuối tháng 8 khá chật vật, khi chỉ số VN-Index đã đánh mất nhiều thành quả mà trước đó đã đạt được, tâm lý nhà đầu tư tiêu cực hơn trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 của cả nước luôn vượt ngưỡng 10.000 ca mỗi ngày. Trong khi nhiều nhóm ngành bị mất điểm, thì cổ phiếu ngành dược lại bất ngờ tỏa sáng, nhiều mã tăng kịch trần nhuộm sắc tím.
Đơn cử như DHG của Công ty Dược Hậu Giang, mã này đã bật tăng liên tiếp trong 5 phiên giao dịch vừa qua, từ 93.500 đồng/cp trong phiên 25/8, thì tới ngày 31/8 đã chạm mốc 111.500 đồng/cp, tương đương với mức tăng gần 20% và tím ngắt trong phiên 27/8.
Sáu tháng đầu năm nay DHG cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.965 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 404 tỷ đồng, tăng 11%. Theo DHG, mức tăng trưởng trên đến từ việc đẩy mạnh sản phẩm bảo vệ sức khỏe; việc tổ chức chặt hệ thống phân phối và sự tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý của doanh nghiệp.
TRA - Công ty Traphaco cũng ghi nhận sự đột phá khi chỉ trong 5 ngày mà có tới 2 phiên tiên liếp kịch trần. Ngày cuối cùng của tháng 8, TRA đạt 101.100 đồng/cp, tăng 2,95 % so với ngày hôm qua và tăng 18% so với 5 phiên trước đó.
Báo cáo tài chính quý 2 của TRA cũng cho thấy doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thành công khi doanh thu thuần tăng 20,4%, và lợi nhuận sau thuế tăng 38% so với cùng kỳ. TRA cho rằng, kết quả trên đến từ chính sách bán hàng hợp lý, cùng hệ thống phân phối mạnh, cũng như cách quản trị giúp tiết giảm chi phí.
Tiêu biểu nhất phải kể đến VMD của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex với mức tăng chóng mặt, với hàng loạt phiên trần và cận trần. Kết phiên 31/8, cổ phiếu giữ mức 77.100 đồng/cp, tăng gần 7% so với phiên liền trước và tăng 212% so với phiên ngày 6/8. Trong báo cáo tài chính hợp nhất của VMD cho biết, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 7.710 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên do một phần chi phí thuế doanh nghiệp được hoãn lại đã giúp lợi nhuận ròng của công ty đạt 19.136 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài 3 mã trên, thị trường còn ghi nhận sự tăng điểm tích cực đến từ các cổ phiếu các doanh nghiệp như Dược Bến Tre (mã DBT), Dược phẩm Vimedimex (VMD), Công ty Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (BIO) hay Dược phẩm Agimexpharm (AGP).
Liệu có "sớm nở tối tàn"?
Sự tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2 của các doanh nghiệp dược có thể được xem là tác nhân tích cực đóng góp cho sự tỏa sáng của nhóm ngành này trong thời gian qua. Đặc biệt với VMD, mặc dù không có một quý kinh doanh ấn tượng, nhưng VMD lại được một loạt các thông tin tích cực nâng đỡ như việc Thủ tướng đã giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ VMD nhập khẩu vaccine Sputnik V về Việt Nam; Group 42 đã ủy quyền cho VMD nhập khẩu, phân phối và là cơ sở đề nghị, đứng tên nộp hồ sơ đề nghị Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine ngừa Covid-19 Hayat-Vax.
Cơn sốt vaccine và thuốc điều trị Covid-19 đang khiến cho nhóm cổ phiếu dược nóng từng ngày.
Hiện tại, nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn với ngành dược, khoảng 80-90% nhu cầu trong nước. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nguồn cung nguyên liệu dược phẩm lớn nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên nguồn cung ứng API (thành phần hoạt chất) từ Trung Quốc và Ấn Độ bị đứt gãy do dịch bệnh, đang khiến giá thành API tăng cao sẽ tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
"Tình trạng khan hiếm này khiến giá trung bình của hầu hết các loại nguyên liệu đều tăng. Hơn nữa, tiến độ hợp tác giữa các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam và đối tác nước ngoài tiếp tục bị trì hoãn bởi việc hạn chế di chuyển. Điều này cản trở tiến độ đánh giá nhà máy đạt tiêu chuẩn cao và xét duyệt quá trình chuyển giao công nghệ", báo cáo của Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết.
Một số công ty dược phẩm do tận dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ được nhập khẩu trước khi dịch bệnh xảy ra nên đã giảm được chi phí đáng kể trong quý vừa qua, tuy nhiên những quý tiếp theo, chi phí đầu vào sẽ trở thành thách thức với họ.
Đặc biệt, do sợ lây nhiễm dịch bệnh, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sẽ hạn chế, khiến doanh thu ETC (kênh thuốc điều trị qua bệnh viện), một trong những kênh quan trọng của ngành dược, giảm mạnh.
Kênh OTC (phân phối qua các nhà thuốc) với các sản phẩm như các loại thực phẩm chức năng, khẩu trang, nước rửa tay..., hiện đang là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên với mặt hàng thực phẩm chức năng sự cạnh tranh sẽ là yếu thế với hàng nhập khẩu nước ngoài. Trong giai đoạn giãn cách kênh này cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Giá trị kênh OTC trong năm 2020 sụt giảm 9% so với năm trước, còn 28 nghìn tỷ đồng, PHS cho biết.
Ngoài ra, kênh thuốc ngoại đang trở thành cả trở với sản phẩm dược phẩm trong nước. Hiện tại, ở kênh ETC, nhóm thuốc ngoại đang chiếm đa số, chi phối chính nhóm biệt dược gốc và thuốc nhóm 1, nhóm 2, nhóm đạt chuẩn EU-GMP. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tập trung đấu thầu vào thuốc nhóm 3 và nhóm 4. Trong khi đó, theo PHS, thuốc nhóm 3 và nhóm 4 chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn, lần lượt là 18% và 21% trong tổng giá trị trúng thầu kênh ETC trong 4 tháng đầu năm nay. Cũng theo PHS, thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 47% nhu cầu nội địa.
Ngành dược còn nhiều thuận lợi và cũng nhiều thách thức. Tuy nhiên, theo PHS cho biết, triển vọng ngành dược thời gian tới hoàn toàn phụ thuộc vào ẩn số Covid-19, trong đó sự kiểm soát dịch bệnh có vai trò quyết định.