Chuyên gia hé lộ nhóm ngành tiềm năng hút mạnh dòng tiền trong nửa cuối năm
(DNTO) - Trong xu thế lựa chọn “tiền tươi thóc thật” thay vì dựa vào “kỳ vọng”, chuyên gia gợi ý nhà đầu tư hướng dòng tiền vào những cổ phiếu có định giá rẻ kèm độ nảy tăng trưởng lợi nhuận tốt nửa cuối năm.
Áp lực bán ròng của khối ngoại cũng đã giảm rõ rệt
Sự chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ, tỉ giá cao và những biến động chính trị đã tác động đáng kể tới hành động của nhà đầu tư ngoại. Điều này gây ra hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu, những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay những thị trường cận biên sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những nơi thị trường hiệu quả hơn. Không chỉ Việt Nam, mà các thị trường trong khu vực như Thái Lan và Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt.
Theo các chuyên gia, có 2 lý do chính khiến cho dòng tiền vẫn đang chảy ra khỏi Việt Nam và gây áp lực lên tỷ giá: chênh lệch lãi suất giữa VND và USD; kỳ vọng về phá giá đồng tiền của nhà đầu tư. Để giải quyết được áp lực của tỷ giá hiện nay thì phải giải được bài toán cân đối giữa lãi suất và tỷ giá.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của khối ngoại lên thị trường Việt Nam thời điểm hiện tại là không lớn, quy mô giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm quanh 18-20% trên tổng quy mô giao dịch toàn thị trường. Thấp hơn nhiều so giai đoạn trước năm 2020, đạt mức 30-50% tổng quy mô toàn thị trường.
Chia sẻ tại Hội thảo đầu tư: Đón đầu chu kỳ phục hồi nửa cuối năm 2024, mới đây, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương), cho hay, áp lực bán ròng của khối ngoại đã giảm rõ rệt vào đầu tháng 7, giá trị bán ròng trung bình dưới mức 500 tỷ đồng/phiên.
"Dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong những tháng cuối năm nhờ nền kinh tế sẽ trở nên sôi động hơn trong quý 4 và kỳ vọng vào việc Fed sẽ hạ lãi suất từ 1-2 lần giúp cho chênh lệch lãi suất giữa VND và USD thu hẹp và giảm áp lực lên tỷ giá. Đặc biệt, xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ sớm kết thúc trong thời gian ngắn sắp tới, khi gần đây Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái để ổn định tỉ giá và nâng nền lãi suất của Việt Nam lên", TS. Nguyễn Tú Anh nhận định.
Thời điểm vàng tích lũy cổ phiếu
Các chuyên gia cho rằng thị trường tài chính thời gian tới sẽ tiếp tục biến động do tác động bởi nhiều yếu tố, tuy nhiên đây sẽ là thời điểm vàng mà nhà đầu tư cần ưu tiên gia tăng tích lũy cổ phiếu một số nhóm ngành hưởng lợi ngắn hạn nửa cuối năm. ThS. Nguyễn Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ NTP - AM đưa ra một số sự lựa chọn.
Đầu tiên là nhóm ngân hàng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng dần cải thiện, chất lượng tài sản được kiểm soát và định giá hấp dẫn. Theo đó, định giá nhóm ngân hàng đang ở dưới mức trung bình 5 năm qua, song dư địa tái định giá hấp dẫn và phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài sản của các ngân hàng. Đặc biệt cần cân đối rủi ro với triển vọng mở rộng NIM, nợ xấu gia tăng gây áp lực lên chi phí dự phòng.
Vị chuyên gia cho rằng, nhóm chứng khoán cũng kỳ vọng được hưởng lợi khi thanh khoản thị trường hồi phục trở lại và kỳ vọng nâng hạng thị trường giúp thu hút vốn đầu tư ngoại. Tuy nhiên, định giá nhóm ngành này vẫn neo cao và chưa thực sự hấp dẫn. Rủi ro cần lưu ý về triển vọng KRX và nâng hạng thị trường không đúng kế hoạch đề ra và việc chậm tăng vốn của một số công ty chứng khoán sẽ làm cản trở tăng trưởng kế hoạch kinh doanh.
Cùng với đó, nhóm bất động sản khu công nghiệp có triển vọng tiêu sáng nhờ dòng vốn FDI tích cực, bất động sản dân dụng phục hồi chậm từ sản phẩm trung cấp. Dù vậy, nhà đầu tư cần lưu ý Luật bất động sản mới quy định bảng giá đất được xây dựng hàng năm sẽ làm tăng chi phí phát triển dự án. Thêm vào đó, giảm tỷ lệ đặt cọc (không quá 5% giá bán) và tỷ lệ thanh toán tối đa (từ 70% giá trị xuống 50%) mua nhà hình thành trong tương lai sẽ khiến chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn hơn.
Thứ tư, nhóm logistics, tâm điểm là cảng biển sẽ tích cực cả về sản lượng và giá cước dịch vụ, nhóm vận tải biển hưởng lợi từ căng thẳng biển đỏ và nhóm hàng không cũng ghi nhận năm tích cực trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Thứ năm, nhóm bán lẻ tiêu dùng sẽ tiếp tục là tâm điểm khi vĩ mô tích cực thúc đẩy tiêu dùng, xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn và tín hiệu hồi phục từ doanh nghiệp đầu ngành.
"Nhóm thép cũng có cơ hội khi giá vật liệu đầu vào dần ổn định, sản lượng thép tiêu thụ dần hồi phục. Tuy nhiên định giá ngành này đã trên mức P/B trung vị 5 năm cho thấy thị trường đã phản ánh kỳ vọng phục hồi", vị chuyên gia gợi ý.