Kênh tiết kiệm kém hấp dẫn, chuyên gia gợi ý nhóm ngành nhà đầu tư nên quan tâm
(DNTO) - Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều người đã rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tư vào bất động sản, đợi lên giá và bán. Điều này cũng phù hợp với thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư và cả doanh nghiệp cuối tháng 1/2024 đã giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Hàng chục nghìn tỷ liên tiếp rút khỏi ngân hàng
Theo số liệu vừa cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 1/2024, ghi nhận tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh. Cụ thể, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1/2024 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 1/2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%. Trước đó, tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng đột biến hơn 457.000 tỷ đồng trong tháng 12/2023 lên mức kỷ lục hơn 6,84 triệu tỷ đồng.
Tương tự, tiền gửi của dân cư cũng giảm hơn 34.600 tỷ đồng, tương đương 0,53% trong tháng đầu năm 2024, xuống mức gần 6,5 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên tiền gửi dân cư quay đầu sụt giảm, sau khi đã liên tục tăng trưởng 25 tháng liên tiếp trước đó.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng hạ 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Như vậy, sau giai đoạn gửi ồ ạt, dòng tiền vào hệ thống ngân hàng đã dịch chuyển trước môi trường lãi suất thấp kéo dài. Mặt bằng lãi suất huy động tại hầu hết ngân hàng không quá 5%/năm. Riêng khoản gửi ngắn hạn vài tháng, lãi suất dao động 2-4%/năm, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Thực tế, nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian ngắn trở lại đây đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Thống kê trong tháng 4 có 16 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, TPBank, VPBank, KienLong Bank, ACB, BIDV, Vietinbank, với mức tăng từ 0,1 - 0,9%/năm.
"Việc tăng hay giảm lãi suất tiền gửi tùy thuộc vào chính sách huy động vốn của từng ngân hàng, song từ giờ đến cuối năm 2024, nếu các ngân hàng muốn thu hút tiền gửi thì chắc chắn phải tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,5-0,8%/năm, nhưng lãi suất cho vay chỉ nhích nhẹ, do cầu tín dụng hiện vẫn còn yếu", ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phân tích.
“Chọn mặt” gửi tiền
Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tục hạ nhiệt và xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Diễn biến này đã tác động đến tâm lý cũng như quyết định của nhà đầu tư khi đứng trước lựa chọn nên rút tiền từ ngân hàng để chuyển sang kênh đầu tư khác nhằm gia tăng lợi nhuận, hay tiếp tục gửi tiết kiệm với lãi suất thấp để đảm bảo an toàn? Và nên lựa chọn kênh đầu tư nào để mang về lợi nhuận tốt nhất và tỉ lệ rủi ro ở mức thấp nhất.
Bà Trương Hoàng Diệp Hương, chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng cho biết, hiện nay người dân đổ tiền dư thừa vào các tài sản tài chính thay vì tiền gửi ngân hàng, trong tương quan so sánh giữa lãi suất huy động với lợi tức từ đầu tư.
Đặc biệt, thị trường bất động sản đã bắt đầu có sự chuyển động nhanh hơn, đón dòng tiền trở lại. Trong quý 1/2024, đây là một trong hai lĩnh vực duy nhất đạt tăng trưởng tín dụng dương (cùng với chứng khoán). So với cuối năm 2023, mức tăng mới khiêm tốn (khoảng 0,23%), tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2022, con số này lên tới 6%, cho thấy niềm tin vào thị trường càng ngày càng được cải thiện.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay đạt 1,68 tỷ USD, tăng gần 73% với cùng kỳ năm 2023. Lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng cũng được dự báo sẽ dần phục hồi mạnh mẽ trở lại trong nửa cuối năm 2024.
Đáng chú ý, theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích dữ liệu FiinGroup, dòng tiền đã có sự dịch chuyển rõ rệt trong tháng 3 khi bất động sản thay thế cho ngân hàng đã có sự hồi phục đáng kể với tỷ trọng 21,5%, vượt trội so với nhóm ngân hàng (17,8%) và chứng khoán (15,5%).
Tín hiệu dịch chuyển dòng tiền còn được thể hiện rõ từ sau Tết đến nay, thị trường chứng kiến "làn sóng" thứ 3 loại hình chung cư tăng giá kể từ cuối năm 2022, đẩy giá chung cư lên một mặt bằng giá mới. Hiện sóng tăng giá đang tiếp nối sang đất nền/thổ cư. Bởi quan điểm của nhà đầu tư không để cho “tiền chết", trong khi lãi ngân hàng thấp lạm phát không bù đủ, thì chỉ còn cách mua đất giữ tiền.
Trong báo cáo quý 1/2024 của Savills Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ hấp thụ nhà ở tại Hà Nội tăng 26%, tăng 15 điểm % theo quý và 12 điểm % theo năm. Còn tỷ lệ hấp thụ nhà ở tại TP.HCM cải thiện 14 điểm % theo quý và 23 điểm % theo năm để đạt 40%. Điều này thể hiện dòng tiền thông minh cũng đang nhắm vào bất động sản.
Tại cuộc tọa đàm về bất động sản mới đây, TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia tài chính chia sẻ, từ trước đến nay chúng ta thường sử dụng bất động sản chỉ để ở, như vậy sẽ không tạo ra dòng tiền. Hiện nay, kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn là cho thuê bất động sản, đặc biệt cho người nước ngoài thuê với giá cao rồi đi thuê nơi khác để ở. Đối với khái niệm nhà ở dòng tiền, đầu tiên phải có người sở hữu, không sử dụng mà khai thác bằng cách cho thuê, tạo ra một nguồn thu nhập.
"Thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, hiện nay nhiều người đã rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tư vào bất động sản, đợi lên giá và bán, trong thời gian ngắn gọi là đầu cơ, một số người đợi lâu để đầu tư. Dù đầu tư hay đầu cơ thì điều quan trọng nhất chúng ta quan tâm là tính thanh khoản. Với các nhà đầu tư thông minh, có thể dễ dàng tính toán được bỏ ra tiền cho thuê sẽ tạo ra dòng tiền. Cùng với đó, thời hạn sở hữu căn hộ đã có sự thay đổi theo Luật Nhà ở 2023 sẽ có lợi cho người mua nhà", ông Ánh cho hay.
Với kinh nghiệm trong nghề, ông Lê Bảo Long, Giám đốc Chiến lược PropertyGuru Việt Nam cho hay, với nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, căn hộ cho thuê vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, vì có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận trung bình cao, khoảng 12,5%/năm (cộng gộp mức tăng giá theo thời gian và lợi nhuận cho thuê). Đây là mức lợi nhuận tốt và ổn định cho nhà đầu tư.
"Tâm lý nhà đầu tư là khi có tiền sẽ đầu tư mua nhà, khi có nhà sẽ lại mua thêm nhà để đầu tư, nhằm gia tăng giá trị tài sản của mình", ông Long nói.