Cầu vốn tăng, nhiều ngân hàng rục rịch nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động hút tiền trở lại
(DNTO) - Trong nửa đầu tháng 4, thị trường ghi nhận thêm 8 ngân hàng ban hành biểu lãi suất mới, thay đổi bất ngờ khi ồ ạt tăng lãi suất huy động đã trở lại với mức tăng từ 0,1 - 0,3%/năm. Điều này dường như là tín hiệu cho cuộc chạy đua mời gọi thị trường đổ tiền vào ngân hàng.
Xu hướng tăng lãi suất huy động dần trở nên rõ ràng hơn khi từ đầu tháng 4 đến nay đã có thêm ít nhất 8 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn khác nhau. Cụ thể, mới nhất, ngày 13/4, ngân hàng VIB điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,1%/năm lên 2,6%/năm. Lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn còn lại được VIB giữ nguyên. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 2 tháng 2,6%/năm, 3-5 tháng 2,8%/năm, 6-11 tháng 4%/năm, 15-18 tháng 4,8%/năm, và 24-36 tháng 5%/năm.
Trước đó, ngày 10/4, ngân hàng VPBank, thông báo tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,3 điểm % cho các kỳ hạn từ 12-36 tháng. Cụ thể, với hình thức gửi tiền online, VPBank điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại kỳ hạn 12-18 tháng lên 4,8-4,9%/năm, tại kỳ hạn 24-36 tháng tăng lên 5,2-5,3%/năm.
Đây là lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động thứ hai của VPBank trong vòng nửa tháng qua. Trước đó, VPBank đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm ở tất cả kỳ hạn từ ngày 27/3, với kỳ hạn 1 tháng tăng nhẹ 0,1 điểm %, kỳ hạn 2 - 36 tháng đồng loạt tăng 0,2%.
Cùng ngày, ngân hàng Kienlongbank và Eximbank cũng tăng thêm 0,2%/năm lãi suất một số kỳ hạn. Cụ thể, Kienlongbank niêm yết lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 6-36 tháng từ 4,4 - 5,5%/năm. Eximbank niêm yết lãi suất kỳ hạn từ 6 - 9 tháng ở mức 4,1%/năm. Ngoài ra, còn có ngân hàng NCB và ngân hàng SHB nhích tăng lãi suất từ 0,1 - 0,2%/năm tại một số kỳ hạn...
Đặc biệt, trên thị trường đang ghi nhận mức lãi suất huy động cao nhất thuộc về ngân hàng ABBank với lãi suất lên tới 9,65%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho số tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Cùng với đó là ngân hàng PVcomBank áp dụng lãi suất 9,5%/năm cho tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 12 - 13 tháng. Hay tại Techcombank cũng áp dụng lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 999 tỷ đồng trở lên.
Theo chuyên gia, động thái ngân hàng "nhập cuộc" tăng lãi suất, hút tiền đã trở lại, chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024. Trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng tích cực hơn ở mức 6 – 7%, đầu tư và tiêu dùng đều khởi sắc trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu sử dụng vốn sẽ quay trở lại để cân bằng với tình trạng dư thừa thanh khoản hiện nay.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng từ cuối tháng 3 đến nay đã giúp lãi huy động chặn đà đi xuống và có xu hướng tăng trở lại. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước ông Đào Minh Tú cho biết, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Như vậy, lượng tiền gửi của các cá nhân, tổ chức giảm hơn 101.600 tỷ đồng, xuống còn 13,272 triệu tỷ đồng.
Về tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,9%, trong khi tháng 1 và 2 âm và đến cuối quý I/2024, tín dụng tăng khoảng 1%. Dấu hiệu khởi sắc này cho thấy nền kinh tế bắt đầu ngấm vốn và hy vọng trong quý II đến quý III/2024, nhất là quý IV, nguồn vốn tín dụng đạt mức kỳ vọng dự kiến cả năm cán mốc 14-15%.
"Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 25 – 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25% - 5,5%/năm trong năm 2024", chuyên gia MBS nhận định.