Lãi suất giảm mức đáy, cho vay mua nhà kỳ vọng dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ 2024
(DNTO) - Thị trường địa ốc dự báo phục hồi nửa cuối năm 2024 khi nhu cầu mua nhà để ở và đầu tư tài sản tăng trở lại, cùng với đó là lãi suất giảm đáy, kỳ vọng hoạt động cho vay mua nhà sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng ở cả lĩnh vực bán lẻ lẫn cho vay chủ đầu tư, doanh nghiệp thời gian tới.
Lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất nhiều năm
Mới đây, tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lãi suất huy động và lãi suất cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.
"Đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong vòng 20 năm qua và nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Hiện tại còn rơi rớt lại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi ngân hàng thương mại huy động vốn với lãi suất cao", Phó Thống đốc đánh giá.
Khảo sát thực tế, trong tháng 1/2024, nhiều ngân hàng đã đồng loạt kéo giảm lãi suất cho vay mua nhà. So với biểu lãi suất đã được công bố tháng 12/2023, lãi suất cho vay mua nhà hiện nay tại nhiều nhà đang được đẩy xuống mặt bằng mới thấp hơn dao động từ 5,9-10,5%/năm, khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 8-13%/năm. Đặc biệt là nhóm Big 4 giảm sốc xuống mức siêu rẻ, từ 6,5-8,5%/năm.
Cụ thể, mức lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất mà BIDV dành cho khách hàng là 6,5%/năm. Lãi suất cho vay mua nhà tại BIDV giảm sâu khi ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động. Theo đó, mức cao nhất tại BIDV ở thời điểm hiện tại là 5,3%/năm, áp dụng cho nhiều kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tương tự, VietinBank ở mức 6,4%/năm, áp dụng trong thời gian đầu được ưu đãi lãi suất.
Agribank áp dụng lãi suất cố định từ 7%/năm đối với các khoản vay trung hạn, dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi này kéo dài từ 12 tháng lên 24 tháng, áp dụng từ 1/1/2024. Đồng thời điều chỉnh giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Còn Vietcombank cố định lãi suất cho vay trong 18 tháng đầu tiên là 6,7%/năm, 2 năm 6,8%/năm, 3 năm 7,5%/năm, 5 năm 9,5%/năm, 7 năm 10,5%/năm và 10 năm lãi suất cố định 11%/năm cho các hoạt động vay vốn để mua nhà đất, mua xe, đầu tư sản xuất kinh doanh…. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3,5%...
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng như nhận định của các chuyên gia cho thấy, thấy lãi suất vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) theo gói tín dụng 120.000 tỷ đang thấp hơn lãi vay thực tế tại các ngân hàng thương mại từ 2,5-5%/năm.
Cùng với đó, từ 1/9/2023, điểm mới được nới lỏng theo Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 đã cho phép các tổ chức tín dụng được duyệt cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh như quy định cũ, cho thấy ngân hàng ngày càng rộng cửa cho vay bất động sản.
Thực tế, các ngân hàng vẫn cam kết cấp vốn cho các dự án khả thi, đầy đủ pháp lý và chủ đầu tư minh bạch, tiềm năng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng (chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng 6,75% so cuối 2022.
Tín dụng liên quan đến bất động sản là động lực chính của tổng tăng trưởng tín dụng trong nhiều năm qua. Việc các dự án đang ồ ạt chào bán vào cuối năm nay cùng với đó là lãi suất giảm có thể tiếp tục là động lực hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu tín dụng quay trở lại.
Cho vay mua nhà sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ năm 2024
Tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng cao, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp thời gian gần đây đang tích cực được hâm nóng trở lại. Các chuyên gia dự báo hoạt động cho vay mua nhà sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng ở cả lĩnh vực bán lẻ lẫn cho vay chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng trong thời gian tới.
Cụ thể, mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng, hoạt động cho vay mua nhà là động lực tăng trưởng chính trong nhiều năm với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 5 năm đạt 26%.
Tuy nhiên, đà tăng chững lại trong năm 2023 do lãi suất tăng phi mã và thị trường bất động sản đóng băng. Cuối quý III/2023, dư nợ cho vay mua nhà giảm 1 điểm % so với cùng kỳ, chiếm 13,8% tổng dư nợ.
VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1 – 1,5% trong năm 2024. Các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản, xây dựng cao trên 20% trong danh mục tín dụng hiện nay bao gồm NVB, TCB, LPB, SHB, KLB, VBB, VPB, BVB, OCB.
"Tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản và xây dựng vẫn sẽ tiếp tục chảy mạnh nhưng sẽ có sự phân hóa rõ rệt về khả năng tiếp cận vốn giữa các phân khúc và doanh nghiệp trên thị trường", VCBS dự báo.
Theo đó, tín dụng sẽ tập trung vào phân khúc bất động sản bình dân phục vụ nhu cầu ở thực, bất động sản khu công nghiệp và xây dựng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, một phần tín dụng sẽ được giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính với mục đích tái cấu trúc nợ. Các chuyên viên phân tích cho rằng đây sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới.
VCBS cho biết vào cuối quý III/2023, dư nợ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và dư nợ lĩnh vực xây dựng của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 13,4% kể từ đầu năm, nhanh hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành, chiếm lần lượt 7,7% và 8,3% tổng dư nợ.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng sau giai đoạn siết tín dụng đối với doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh giải ngân cho chủ đầu tư.
"Nguyên nhân bởi thị trường bất động sản đã có tín hiệu phục hồi sau các nỗ lực hỗ trợ về lãi suất, pháp lý từ Nghị quyết 33, Thông tư 10. Đồng thời, ngân hàng tăng cho vay để đáp ứng nhu cầu gia tăng của doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp không thuận lợi", chuyên gia phân tích.