Huy động vốn giảm, nhu cầu vốn phục hồi, người vay lo lãi suất 'quay đầu'
(DNTO) - Quý 1/2024, nền kinh tế bắt đầu ngấm vốn và "chảy" trở lại sau thời gian dài suy giảm, để đích tăng trưởng tín dụng cho cả năm bớt chênh vênh, kỳ vọng nhà điều hành sẽ tiếp tục triển khai các chương trình lãi suất ưu tiên, duy trì ổn định và thực chất, để doanh nghiệp chủ động với bài toán kinh doanh.
Nền kinh tế có dấu hiệu đã 'ngấm' vốn
Lãi suất tiền gửi liên tục giảm trong suốt thời gian qua, xuống mức thấp lịch sử khiến lượng tiền gửi vào hệ thống có dấu hiệu suy giảm. Trong khi tăng trưởng tín dụng bắt đầu khởi sắc từ tháng 3, cộng với chỉ tiêu cả năm 2024 là 15% (khoảng 2 triệu tỷ đồng) phần nào đó sẽ tạo ra áp lực tăng lãi suất huy động lên các ngân hàng thương mại. Đặc biệt vào giai đoạn giữa và cuối năm 2024, khi mà nhu cầu tín dụng thường có xu hướng tăng theo yếu tố mùa vụ.
Điều này cũng có thể dễ nhận ra khi ngay ở tuần cuối tháng 3 này, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đang có xu hướng đảo chiều, rục rịch tăng trở lại. Mặc dù mức tăng chưa phải là lớn nhưng đây rõ ràng là tín hiệu thể hiện rằng hiện tượng "thừa tiền" và thanh khoản tại ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Điều này phần nào còn thể hiện qua mức khối lượng và lãi suất trúng thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua. Cụ thể, trong phiên đấu thầu 11/3, lãi suất trúng thầu chỉ là 1,4%/năm thì tới phiên đấu thầu 29/3, lãi suất này đã lên mức 2,49%/năm.
Bên cạnh đó, số lượng tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu cũng giảm dần qua từng phiên (từ 18 tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu vào phiên 11/3 xuống chỉ còn 5 tổ chức vào phiên 29/3), kết hợp với việc khối lượng phát hành tín phiếu cũng có xu hướng giảm trong những phiên gần đây. Điều này cho thấy mức dư thừa thanh khoản trên thị trường có thể đã giảm bớt.
Không chỉ tín hiệu đã lóe sáng từ phía ngân hàng, doanh nghiệp mà mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay: “Tính đến ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,9%, trong khi tháng 1 và tháng 2 âm. Đến nay, tín dụng tăng khoảng 1%. Với dấu hiệu khởi sắc này, nền kinh tế bắt đầu ngấm vốn và "chảy" trở lại sau thời gian dài suy giảm. Hy vọng trong quý 2 và 3, nhất là quý 4, nguồn vốn tín dụng sẽ đạt mức kỳ vọng dự kiến cả năm là 14-15%”.
Tính đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đã tiết lộ lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024, đa phần là các con số tích cực. Theo đúng như dự báo trước đó của Công ty Chứng khoán MBS, năm nay, nhiều ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý đầu năm, như VPBank, OCB có khả năng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất toàn ngành, lần lượt ở mức 175% và 86%.
Mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2024 khoảng 43-44% được MBS đưa ra với VietinBank, HDBank, mức tăng cả năm lần lượt là 15% và 31%. Ngoài ra, còn có Sacombank, Techcombank, BIDV, MB, Vietcombank.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định, trong năm nay, ngành ngân hàng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn năm ngoái, nhờ vào 3 động lực, đó là tỷ lệ NIM được cải thiện, tăng trưởng tín dụng phục hồi nhờ nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc và tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm, chất lượng tài sản tăng lên.
Lãi vay xuống thấp nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu
Dù có tín hiệu "thoát đáy", nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, lực cầu tín dụng vẫn còn yếu so với cùng kỳ năm ngoái. Còn nhớ hết quý 1/2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ghi nhận tăng 2,56% so với cuối năm 2022. Nhưng sang năm nay, tăng trưởng tín dụng quý 1 lại ghi nhận mức thấp nhất trong gần thập kỷ qua.
Để thúc tín dụng, hiện các ngân hàng đang chào mời doanh nghiệp các gói vay mới, lãi suất chỉ từ 4-6%/năm. Khách hàng cá nhân từ 6-8%/năm và nhiều ưu đãi như cố định lãi suất 1-2 năm đầu, hoặc giảm lãi vay đồng loạt với tất cả khách hàng hiện hữu. Chẳng hạn với lãi suất cho vay mua nhà, nếu như cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức 9-10%/năm, nhưng quý đầu năm nay đã giảm gần một nửa, về 5-6%/năm. Vốn giá rẻ, thanh khoản dồi dào đang là lợi thế của ngành ngân hàng thời điểm hiện tại.
Có thể nói lãi suất cho vay đang thấp nhất trong 20 năm qua và đây là cơ hội để doanh nghiệp, người dân vay vốn để bung ra làm ăn đón đầu kinh tế phục hồi. Thế nhưng, điều khiến nhiều người dân và doanh nghiệp không khỏi lo lắng là "sợ lãi suất quay đầu".
Chia sẻ tại hội thảo với chủ đề "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường", ngày 5/4, GS.TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Luật cho rằng, có 2 điều kiện để dòng vốn ra thị trường: một là phía cầu ấm lên, và hai là lãi suất cho vay phải duy trì ở mức thấp trong thời gian đủ lâu để doanh nghiệp có thể tính kế hoạch làm ăn.
"Ngược lại, nếu lãi suất chỉ thấp trong một thời gian ngắn rồi "giật cục" sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Tương tự với cá nhân, nhất là người vay để mua nhà. Nếu lãi suất chỉ thấp trong thời gian ưu đãi rồi đến kỳ điều chỉnh lại tăng, rất khó cho người vay khi tính kế hoạch tài chính", bà Xuân nói.
Nhìn lại lịch sử vay của nhiều năm, dù lãi suất cho vay đang thấp ở mức tương đối, tuy nhiên vẫn có sự cách biệt giữa các kỳ hạn cũng như đối tượng vay vốn. Các ngân hàng đang theo chiến lược thu hút vốn ngắn, xoay vòng ngắn, lãi suất huy động đang có dấu hiệu nhích lên. Chưa kể, trong khi doanh nghiệp cần khoản vay mới nhưng các khoản vay cũ đang phải gánh lãi suất cao. Nếu được hỗ trợ giảm lãi suất với các khoản vay cũ và việc tiếp tục giải ngân thuận lợi hơn thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và nắm bắt được cơ hội của mình khi thị trường phục hồi.
Rõ ràng, khi doanh nghiệp được "bơm" vốn rẻ, có thêm đơn hàng, tạo thêm việc làm cùng thu nhập thì hàng triệu người lao động và gia đình họ sẽ dễ thở hơn, cuộc sống ổn định dần. Kéo theo đó là an sinh xã hội tốt dần lên cũng như những bất ổn tiềm tàng sẽ từ từ lắng xuống. Một khi cả hệ thống ngân hàng vì chính mình muốn đẩy vốn ra cho doanh nghiệp làm ăn và người đứng đầu Chính phủ thường xuyên đốc thúc việc này thì tiền bắt buộc phải chạy vì lợi ích chung chứ không còn cách nào khác.
Cùng với việc gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ kéo dài thêm tới tháng 6/2024, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy các tổ chức tín dụng triển khai các chương trình tín dụng ưu tiên cho doanh nghiệp thực chất hơn. Dòng tiền sẽ thực sự chảy nhanh, mạnh và lâu dài nếu những nỗ lực trên không chỉ có trên ti vi và ngược lạị.